Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng New Zealand trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng New Zealand John Key sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-17/11.

Đây là lần thứ hai ông John Key thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng New Zealand (chuyến thăm đầu tiên diễn ra năm 2010).
Thủ tướng John Key trả lời phỏng vấn. (Nguồn: Đại sứ quán New Zealand).
Thủ tướng John Key trả lời phỏng vấn.
- Thưa ngài Thủ tướng, trong chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng Ba vừa qua, lãnh đạo hai nước đã đồng ý tăng cường quan hệ đối tác toàn diện, hướng đến mục tiêu nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược. Ngài có thể cho biết thêm về cách thức hiện thực hóa mục tiêu này trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới?

Thủ tướng John Key: New Zealand và Việt Nam có chung lợi ích ngày càng tăng và chuyến thăm sắp tới là cơ hội tốt để hai nước củng cố và tăng cường mối quan hệ này. 

Việt Nam là thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của New Zealand ở Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương hiện vượt mức 1 tỷ NZD/năm.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới New Zealand vào tháng Ba, hai bên đã cam kết tăng gấp đôi con số này vào năm 2020 và cùng nỗ lực sớm hoàn thành mục tiêu.

Hai bên cũng thống nhất hợp tác chặt chẽ hơn nữa các lĩnh vực như hàng không và giáo dục và đây là những lĩnh vực mà hai nước đều coi trọng trước chuyến thăm này. 

Để thể hiện cam kết và niềm tin vào cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này, 13 đại diện hàng đầu trong ngành giáo dục và công nghiệp hàng không New Zealand cũng tham gia vào phái đoàn tới Việt Nam lần này. 

New Zealand có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác với Việt Nam và chuyến thăm này sẽ là cơ hội để khai thác hiệu quả hơn nữa các cơ hội đầu tư và hợp tác thương mại trong lĩnh vực hàng không và giáo dục mà hai nước đều có tiềm năng to lớn. 

- Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng mạnh trong những năm gần đây, đạt gần 800 triệu USD vào năm 2014. Con số này có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2015 và tăng lên 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Với việc Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam và New Zealand đều là thành viên tham gia, đã hoàn tất quá trình đàm phán, Ngài đánh giá như thế nào về những ảnh hưởng mà TPP đem lại cho hợp tác thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực?

Thủ tướng John Key: TPP góp phần thúc đẩy thỏa thuận khu vực tự do thương mại mà ASEAN, Australia và New Zealand đã ký kết, thông qua việc dỡ bỏ thêm nhiều loại thuế quan, tăng cường cơ hội tiếp cận các lĩnh vực dịch vụ.

Ngoài ra, việc tham gia TPP cũng góp phần thu hút đầu tư và đem lại các cơ hội về mua sắm công cho Việt Nam. TPP sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương vì lợi ích của cả hai nước. 

- Ngài đã từng gợi ý về sáng kiến hợp tác mới “Đối tác thương mại liên chính phủ” nhằm giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn sở hữu trí tuệ mang tầm thế giới của New Zealand. Ngài có thể cho biết lộ trình để hiện thực hóa sáng kiến này?

Thủ tướng John Key: Là một quốc gia có diện tích nhỏ nhưng có nhiều sáng kiến mang tính đột phá, New Zealand có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực chủ chốt về chính sách công và có nhiều giải pháp đi đầu thế giới. Trong số này, nhiều sáng kiến có thể áp dụng thành công tại các quốc gia khác. 

Thông qua chương trình Chia sẻ liên chính phủ, New Zealand chia sẻ nguồn sở hữu trí tuệ và các kiến thức đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, y tế, giáo dục và ngư nghiệp trên nền tảng thương mại. 

Sáng kiến này đang được tiến hành tại Việt Nam thông qua cuộc hội thảo kéo dài 1 ngày tại Hà Nội về xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm bền vững. Bên cạnh đó, còn diễn ra các cuộc thảo luận về kinh doanh mà tôi đánh giá là rất thiết thực. 

- Việt Nam và New Zealand thường xuyên tiến hành trao đổi quan điểm, tham vấn và hợp tác về chính sách cũng như hỗ trợ lẫn nhau giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, thúc đẩy hiệu quả cơ chế hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Vậy xin Ngài cho biết quan điểm riêng của mình và chính quyền New Zealand về phương hướng giải quyết tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông?

Thủ tướng John Key: New Zealand không tham gia vào tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông nhưng chúng tôi có lợi ích trực tiếp trong việc quản lý căng thẳng tại đây. New Zealand phản đối bất kỳ hành động đe dọa hòa bình và làm xói mòn lòng tin tại khu vực. 

Là một quốc gia hải đảo, New Zealand rất coi trọng luật pháp quốc tế và nguyên tắc tự do hàng hải. Chúng tôi kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông kiềm chế tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. 

Chúng tôi mong muốn các bên thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết và sớm thông qua Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm kiềm chế căng thẳng. Tôi chắc rằng đây sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tuần tới.