Không để Tết này người dân phải mua thịt lợn với giá cao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên khi đề cập tới một số bất cập trong dự báo cung cầu thị trường tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN&PTNT.

Điểm tựa an ninh lương thực của nhiều quốc gia
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2020, lãnh đạo Chính phủ đã đến làm việc với Bộ NN&PTNT tổng cộng 31 lần. Đó là sự chia sẻ của Chính phủ đối với khó khăn của ngành nông nghiệp và người nông dân.
“2020 là năm đầy thách thức, nhưng là năm đầy bản lĩnh và thắng lợi ở nhiều lĩnh vực của nước ta, trong đó có nông nghiệp, nông thôn” - Thủ tướng nhấn mạnh. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm một mô hình cánh đồng lúa lớn. Ảnh: Văn Giang.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, năm 2020 là năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của Việt Nam. Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế Quốc gia, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, để Việt Nam phát triển bình thường và đạt mức tăng trưởng dương.
Trong đại dịch Covid-19, nông nghiệp Việt Nam trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều Quốc gia trên thế giới. Ở đó, gạo Việt Nam có giá xuất khẩu thuộc top đầu, đồng thời đã có thương hiệu gạo số 1 thế giới.
Cùng với đó, công nghiệp chế biến đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Riêng năm 2020 đã có 18 nhà máy chế biến với hàng tỷ USD được đầu tư xây dựng từ Bắc vào Nam. Tính cả giai đoạn 2016 - 2020, đã có 68 nhà máy chế biến được hình thành, đi vào hoạt động. Điều này giúp ổn định sản xuất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam…
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của ngành NN&PTNT đã vượt khó, đổi mới sáng tạo, cùng cộng đồng DN, bà con nông dân, đóng góp vào kết quả phát triển chung của kinh tế đất nước năm 2020.
Dù vậy, theo Thủ tướng, ngành NN&PTNT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng của ngành chưa thực sự bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, chỉ đạo hội nghị chiều 24/12. Ảnh: Quang Hiếu.
Thủ tướng cũng cho rằng, năng suất lao động và thu nhập của một bộ phận người nông dân hiện còn thấp. Đặc biệt, dự báo cung cầu vẫn là khâu yếu, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân. “Đây là vấn đề mà Bộ NN&PTNT và các bộ cần tiếp tục quan tâm. Làm sao để Tết này, người dân không phải mua thịt lợn với giá cao” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị. 
Đối với nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ mong muốn ngành NN&PTNT sẽ nắm chắc tình hình, biến nguy cơ thành thời cơ, tiếp tục giữ GDP ngành khoảng 3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm 2021. Đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng, sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, cá bộ ngành cần lồng ghép các chương trình phát triển, chú trọng đầu tư cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…
Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia trong mọi tình huống. Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Nghiên cứu mở rộng cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Liên quan đến phát triển kinh tế biển, Thủ tướng nhấn mạnh, sông biển hồ của Việt Nam rất lớn nhưng phát triển nuôi biển còn hạn chế, thay vào đó lại khai thác quá nhiều. Thời gian tới, các địa phương phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục ngư dân để không vi phạm các quy định quốc tế trong khai thác hải sản, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai. Chú trọng phát triển hạ tầng và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, hạ tầng kinh tế - xã hội trong năm 2021...