Sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được điều động sang Phủ Thủ tướng, ở đây tôi được gặp Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Được phân công làm giúp việc cho Thủ tướng, tôi lo lắm. Ông hơn tôi gần 30 tuổi, tôi định gọi là bác nhưng ông bảo: Ta cứ coi như anh em, như đồng sự, cộng sự với nhau thôi. Sự thân tình đó khiến tôi bình tĩnh trở lại…
Vị lãnh đạo thân tình
Ngay từ buổi gặp đầu tiên, ông đã dặn dò tôi nhiều điều phải ghi nhớ trong công việc. Thứ nhất là trung thực, thật thà, đặc biệt khi tiếp nhận thông tin từ khắp nơi. Thứ hai phải tuyệt đối giữ bí mật vì đây là cơ quan đầu não của quốc gia. Thứ ba là hết sức cẩn thận, cẩn trọng với mọi công việc, sắp đặt văn phòng phải khoa học ngăn nắp để khi mình cần gì phải có ngay.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Anh hùng Lao động Hồ Giáo.
|
Thứ tư là phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc, phải coi những người trong cùng cơ quan như anh em trong gia đình. Cuối cùng là phải cố gắng học tập nâng cao trình độ, năng lực. Đây là những điều làm tôi nhớ nhất khi bắt đầu làm thư ký, công việc tôi chưa làm bao giờ, và theo tôi suốt thời gian sau này.
Ông cũng dặn tôi phải tận tụy, khiêm tốn, lễ phép với những người dân cần gặp, "dù giúp được hay không cũng phải trả lời người ta". Ông còn dặn chung anh em phải chịu khó học hỏi, nắm bắt phân tích thông tin, từ đó có những đề xuất, định hướng để khi gặp các đối tác ở trong nước cũng như nước ngoài biết tiếp thu những cái phù hợp, có lợi cho đất nước, nhân dân. "Trong quá trình làm việc, giao tiếp hay thậm chí là ký kết hợp đồng có thể do hiểu biết của mình chưa đủ, nắm chưa chắc, mình bị sơ hở, thiệt thòi thì có thể chấp nhận được, nhưng tuyệt đối không được vì lợi ích cá nhân mà làm chệch đường hướng, mục tiêu. Cái đó là không thể tha thứ", ông nhấn mạnh.
Đối với anh em trong cơ quan, ông luôn coi đây là một gia đình nhỏ mà ông là người anh. Ông rất coi trọng gia đình này nên rất quan tâm đến anh em. Ông thường xuyên hỏi han công việc, đời sống gia đình, giúp đỡ anh chị em bất cứ những gì có thể. Ngay cả chuyện lương bổng, ông cũng hỏi han xem thu nhập bao nhiêu, có đủ sống không… Bởi thế, quan hệ giữa ông và mọi người trong cơ quan khá bình đẳng thân tình, đúng như anh em trong nhà.
Tuy nhiên, không vì thế mà ông bỏ qua sai sót của anh em. Ông có thể bực khi anh em không chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết trước khi ông đi dự hội nghị. Hay như việc ông có thói quen sắp xếp ngăn nắp tài liệu trong phòng mình, nhớ rõ vị trí của từng cuốn sách, nên kể cả khi không nhìn thấy ông vẫn biết cuốn nào ở đâu. Bởi thế khi anh em quét dọn làm xáo trộn vị trí, ông không tìm được sách. Ông giận, bảo: "Anh em làm không cẩn thận, cái gì của tôi để đâu để nguyên thế đừng tùy tiện thay đổi làm mất thì giờ của tôi". Ông cũng có thói quen là đã suy nghĩ vấn đề gì thì khi nói sẽ liền một mạch theo dòng suy nghĩ. Có một lần do không ghi kịp, tôi ngắt lời đề nghị ông đọc lại.
Bị dừng đột ngột, ông ngồi lặng hồi lâu rồi chậm rãi bảo: "Thôi hôm nay làm đến đây, để tôi còn suy nghĩ tiếp". Tôi biết ông không vui và ân hận vì làm mất đi những điều mà ông suy nghĩ nhiều ngày đêm mới có được. Tôi xin lỗi ông và hứa sẽ khắc phục, nhưng ông an ủi: "Thôi không sao".
Người có gia đình đặc biệt
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có hoàn cảnh gia đình hết sức đặc biệt. Sau khi xây dựng gia đình (tháng 10-1946) ông đi vào hoạt động ở Liên khu 5, mấy năm sau mới thu xếp được cho vợ là bà Phạm Thị Cúc vào ở cùng. Hồi đó, việc đi lại rất gian khổ, bà Cúc phải đi đường bộ mấy tháng trời mới vào đến nơi. Năm 1949, vợ chồng mới ra miền Bắc, nhưng vì công việc của ông rất bận nên hai người không ở chung. Sau khi sinh con (hiện là Thiếu tướng Phạm Sơn Dương - PV) năm 1951, bà Cúc bị bệnh và vẫn không khỏi đến tận bây giờ.
Dù không ở chung nhưng ông rất quan tâm, chăm lo dạy bảo cậu Dương, nhờ anh chị em trong cơ quan từ những việc bú mớm cho đến việc học hành sau này... Đối với bà Cúc, ông luôn nghĩ rằng mình có lỗi, luôn trăn trở về trách nhiệm của mình đối với vợ. Ông luôn đau đáu về chuyện không chữa khỏi bệnh cho bà dù đã cố gắng đưa bà đi ra cả nước ngoài (Liên Xô, Trung Quốc) nhưng không có kết quả.
Tuần nào ông cũng đến thăm vợ vào chiều chủ nhật hoặc mời bà đến chỗ ông và bao giờ cũng có quà. Khi đi nghỉ ở đâu ông cũng đưa bà theo, dù mỗi người ở một nhà riêng nhưng hằng ngày ông đều đến thăm bà. Có lần ở Đồ Sơn, ông không đến và cho người mời bà đến chỗ ông, thế là bà giận. Ông đã đến xin lỗi và vẫn giữ nguyên những cử chỉ ôm hôn âu yếm. Tình cảm của ông đối với bà rất thủy chung. Có lần người nhà bà Cúc gợi ý ông nên làm bạn với người phụ nữ khác, còn bà Cúc sẽ được gia đình trông nom. Nhưng ông dứt khoát không chịu và vẫn tiếp tục sống như vậy để chăm sóc vợ.
Người học trò xuất sắc của Bác Hồ
Có thể nói Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ một cách tuyệt vời. Khi cùng ở với Bác Hồ và cả sau khi Bác mất, ông luôn giữ nếp sống rất đơn giản với một chút cơm, một chút cá hoặc thịt và mấy cọng rau, có ngày chỉ ăn một hai bát cháo hoặc bát súp, nhưng luôn có sẵn một củ khoai.
Những tác phong công việc, cách quan hệ, tiếp xúc với mọi người đều chịu ảnh hưởng từ Bác Hồ. Lúc Bác mất, ông đã khóc rất nhiều. Ông không ở căn nhà cũ nữa vì ông bảo "từ tiếng nói, bước đi đến tiếng guốc của Bác vẫn văng vẳng trong tâm trí" khiến ông không thể cầm lòng được. Quan trọng hơn, ông cho rằng nơi ở của Bác Hồ ghi đậm dấu ấn những hoạt động sống và làm việc của Bác nên phải xây dựng thành khu lưu niệm Bác Hồ để nhân dân, chiến sĩ, bạn bè trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng và học tập.
Ông dặn dò anh em phải chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo và phát triển để khu vực này càng ngày càng thu hút được mọi người. Có thể nói không nước nào mà Nguyên thủ (Chủ tịch nước) và Thủ tướng lại có sự gắn bó gần gũi với nhau như thế. Đây thực sự là một mối quan hệ đặc biệt. Trong cuộc sống, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng coi nhau như anh em, Bác gọi ông là chú Tô.
Giản dị, thanh bạch là những điều ông học được ở Bác Hồ nhiều nhất. Sau này, trước khi mất, ông gọi con trai lại bảo: "Ba không có tài sản gì để lại cho con. Ba chỉ để lại một sự nghiệp phải tiếp tục. Ba yêu cầu con chăm sóc má của con, chăm lo dạy bảo các con của con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, con xứng đáng là người sĩ quan của quân đội ta".
Lúc cưới vợ cho con, ông không có ý định mời ai. Tôi phải thuyết phục thì ông mới đồng ý tổ chức bình thường, đám cưới rất giản dị với bánh kẹo, nước trà và duy nhất một hàng ghế trong hội trường tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Tuy nhiên, mọi người tới dự rất đông dù trời mưa để xem "đám cưới con ông Thủ tướng như thế nào".
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, nhưng ông cũng là người trọn nghĩa, trọn tình với vợ con. Ông gần như trở thành thần tượng của tôi. Tôi nhớ hôm ông mất, trời mưa nhưng đông đảo người dân đổ ra đường để tiễn đưa ông, đoàn người kéo dài từ Nhà tang lễ Nhà nước tới tận Nghĩa trang Mai Dịch.
Chính vì sức sống mạnh mẽ của ông trong lòng người dân, tôi đã nỗ lực vận động để xuất bản cuốn sách "Phạm Văn Đồng sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế". Tôi cũng sưu tập các bài viết, bài báo, bài nói chuyện của ông trong tất cả lĩnh vực làm thành một tuyển tập Phạm Văn Đồng gồm 3 tập và một tập bao gồm tất cả những bài ông viết về Bác Hồ.
Đó đều là tấm lòng của tôi đối với ông, để đặt lên bàn thờ mà tôi lập trong căn nhà ông đã sống và làm việc, và để cho người đời sau có thể lưu lại những tài liệu quý giá.