Đến nay, dù thua lỗ kéo dài, việc thoái vốn tại AJC vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Lương thấp, cổ tức bằng 0 đang là thực tế của người lao động (NLĐ) và cổ đông AJC trong giai đoạn chờ thoái vốn hiện nay.
Tháng 10/2014, lỗ hơn 600 triệu đồng
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 10 tháng đầu năm 2014, AJC đã trích 654,1 triệu đồng tiền lương trong tháng 10, trong khi đó, chênh lệch thu- chi (chưa lương) của tổng công ty chỉ đạt mức 47,4 triệu đồng. Lợi nhuận trước thế của AJC âm hơn 600 triệu đồng trong tháng 10/2014, lỗ lũy kế đến tháng 10/2014 ở mức gần 1,6 tỷ đồng.
Việc thua lỗ tại AJC đã kéo dài từ năm 2013 đến nhiều tháng của năm 2014. Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2013 của AJC ghi nhận mức lỗ trước thuế hơn 2,7 tỷ đồng. Với số lượng cán bộ công nhân viên hơn 200 người hiện nay, lương bình quân tháng 10/2014 tại AJC chỉ ở mức hơn 2,5 triệu đồng/người. Cuộc sống người lao động hết sức khó khăn trong giai đoạn giao thời chờ DN thoái vốn Nhà nước.
Được biết, để tiết giảm chi phí, một năm qua, tổng công ty đã hai lần chuyển trụ sở làm việc từ 196 Thái Thịnh đến 324 Tây Sơn và về 239 Phố Vọng. Năm 2013, cổ đông nhận cổ tức bằng 0. Nhiều cổ đông của AJC cho biết, năm 2014, với tình trạng thua lỗ hiện tại, họ cũng không dám hy vọng nhận lợi tức ở mức cao hơn. “Tại ĐHCĐ hồi tháng 7/2014, có cổ đông đã thẳng thắn phát biểu rằng, một số nhiều kế hoạch, AJC đặt ra từ năm này qua năm khác nhưng không làm được. Lẽ ra, ban lãnh đạo phải ngồi lại tìm nguyên nhân và rút kinh nghiệm, thay vì năm nay không làm được thì để năm sau và cứ kéo dài mãi việc “đặt kế hoạch” này”- một cổ đông AJC bức xúc. Cũng theo vị cổ đông này, mãi đến tháng 7/2014, AJC mới tiến hành đại hội cổ đông báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2014. Trước đó, cũng đến tháng 8/2013, tổng công ty này mới tiến hành ĐHCĐ thường niên.
Người mua sốt sắng, người bán “câu giờ”?
Hiện, Agribank có 61% cổ phần, SeaBank có hơn 30% cổ phần… tại AJC. Số cổ phần còn lại thuộc về một số cổ đông nhỏ lẻ. Quý III/2013, ngân hàng nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã có công văn yêu cầu người đại diện vốn lập phương án thoái 100% vốn của Agribank tại AJC thực hiện trong năm 2013.
Đến nay, một số DN và nhà đầu tư đã ngỏ ý muốn mua lại cổ phần của Agribank tại AJC. Trong số đó, đáng chú ý nhất là hai “ông lớn” SeaBank và tập đoàn Mường Thanh. Được biết, cuối năm 2013, một DN tư nhân cũng đã có thư ngỏ gửi Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Agibank để tiếp cận và mua 61% cổ phần của Agribank tại AJC.
Theo một nguồn tin, AJC đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông và trình lãnh đạo Agribank, trình Ngân hàng Nhà nước và giải quyết hết một số vấn đề còn tồn tại như huy động tiết kiệm ủy thác VND, ngoại tệ…trả khách hàng hoặc chuyển các hoạt động này về Hội sở, Sở giao dịch và các Chi nhánh của Agribank. Tuy nhiên, đến nay, các đối tác đang “để mắt” tới AJC vẫn không nhận được bất cứ thông tin nào về việc đấu giá công khai bán cổ phần ra công chúng của tổng công ty này. Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và người lao động, nhiều cổ đông cho rằng, nếu AJC không thoái vốn hoặc thoái vốn quá chậm thì DN này phải có phương án sắp xếp, tái cơ cấu lại để cán bộ công nhân viên và cổ đông yên tâm làm và đầu tư.
Đã qua rồi thời nhộn nhịp mua bán tại AJC. Ảnh: Trần Việt
|
Mới đây, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, tiến độ thoái vốn Nhà nước vẫn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm. Cụ thể, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn nhưng trong thời gian qua lĩnh vực này mới chỉ thoái được gần 4.000 tỷ đồng. |