KTĐT - Số lượng các trường ĐH, CĐ tăng, SV ra trường những năm gần đây tăng mạnh, nhưng phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Điều này dẫn đến nhiều SV không tìm được việc thích hợp, đành chấp nhận làm những công việc tạm bợ. Theo TS Lê Thanh Mai, khả năng thực hành của SV mới tốt nghiệp thường hạn chế do nhà trường đào tạo thiên về lý thuyết hơn là thực hành.
Mối quan hệ hợp tác giữa "ba nhà": Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng trong đào tạo nhân lực vẫn chưa chặt chẽ. Điều này, được bàn luận sôi nổi tại hội thảo "Hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao" được tổ chức ngày 23.10.
Sinh viên yếu kỹ năng
Số lượng các trường ĐH, CĐ tăng, SV ra trường những năm gần đây tăng mạnh, nhưng phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Điều này dẫn đến nhiều SV không tìm được việc thích hợp, đành chấp nhận làm những công việc tạm bợ. Theo TS Lê Thanh Mai, khả năng thực hành của SV mới tốt nghiệp thường hạn chế do nhà trường đào tạo thiên về lý thuyết hơn là thực hành.
Trong khi ngoài kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi người LĐ phải có kinh nghiệm. Một thực tế khác là kiến thức chuyên môn của các SV mới ra trường còn chênh lệch xa so với những tiến bộ kỹ thuật hiện nay. Điều này khiến SV rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với thiết bị hiện đại, công nghệ, nên DN phải đào tạo lại.
Ông Nguyễn Tử Anh - GĐ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực – Hoa Sen Group, cho rằng: SV mới ra trường còn thiếu kỹ năng tổng hợp, không biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề có tính hệ thống, không biết làm việc theo đội, nhóm. Ngoài ra, khả năng nâng cao năng lực tự phát triển của SV cũng hạn chế. Điều này làm giảm khả năng LĐ, dễ chán nản dẫn đến bỏ việc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM – ông Đặng Đức Thành chia sẻ, SV cần được hội nhập ngay từ năm thứ 3 ĐH, nhà trường tăng cường phương pháp giảng dạy tiên tiến như: Gửi bài tập, tài liệu học tập qua mạng, giảm thời gian ghi chép trên lớp để SV có điều kiện tập dượt những kỹ năng mềm. Đặc biệt là những kỹ năng như: PR, cách trình bày vấn đề, làm việc theo nhóm thông qua tổ, nhóm. Nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức hội thảo kết hợp giữa các khoa của trường với DN.
Xác định hướng đào tạo
Một số chuyên gia dự hội thảo đưa ra ý kiến, nhà trường cần xác định hướng đào tạo , chuyên sâu vào nghiên cứu hay theo hướng ứng dụng. Nhà trường hiện nay phần lớn vẫn đào tạo theo kiểu chung chung, môn nào cũng lướt qua một ít, thiên về lý thuyết, nghiệp vụ mà thiếu tính thực tế; dẫn đến tình trạng SV khi được hỏi không biết thực sự mình đang học gì, theo hướng nào, trong khi các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi SV phải chủ động, sáng tạo, tự tin đưa ra những ý tưởng mới. Điều đó dẫn đến nhà trường và DN khó gặp nhau.
Ông Dương Xuân Giao – GĐ NetViet - lại cho rằng, DN cũng không nên đòi hỏi ở nhà trường và SV quá nhiều. Thực sự hiện nay cũng có rất nhiều SV ra trường được DN mời về làm việc ngay với mức lương khá cao. Nói thế nhưng SV cũng cần tự hoàn thiện kỹ năng kiến thức để đáp ứng nhu cầu của DN.
Theo PGS–TS Phan Thanh Bình – GĐ ĐH Quốc gia TPHCM - nguồn nhân lực không chỉ là đề tài nóng ở VN mà cũng là vấn đề lớn của toàn cầu. VN đã hội nhập thì nguồn nhân lực phải bảo đảm tính cạnh tranh, đáp ứng thị trường LĐ. Muốn xây dựng và phát triển được nguồn nhân lực có chất lượng cao, không chỉ có nhiệm vụ của nhà trường mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự hợp tác từ phía các DN.