Quốc tế chia sẻ
Thông tin Việt Nam không đăng cai ASIAD ngay lập trở thành đề tài được báo giới quốc tế quan tâm đặc biệt. Đáng nói, các hãng tin quốc tế trong bình luận của mình đều bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí, họ còn phân tích khi tổ chức ASIAD có thể mang đến những hệ lụy không tốt cho nền kinh tế vốn còn nhiều khó khăn ở Việt Nam nếu không tăng được nguồn thu. ABC News của Mỹ nhận định: “Việc đăng cai này có thể giúp quảng bá hình ảnh và vị trí của đất nước. Tuy nhiên, nếu tổ chức không tốt, nó sẽ có tác dụng ngược lại”.
Ông Husain Al Musallam - Tổng Giám đốc, Giám đốc kỹ thuật của OCA ủng hộ Việt Nam rút lui không đăng cai ASIAD 18.
|
Hãng truyền thông của Pháp AFP thì cho rằng, quyết định thôi không đăng cai ASIAD đã được đưa ra sau khi Chính phủ đã tham khảo ý kiến của các ngành, các cấp và đặc biệt là lắng nghe nguyện vọng của đại đa số người dân. Và, giới truyền thông thế giới đều đi đến một kết luận là trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc Việt Nam rút lui không đăng cai ASIAD là phù hợp nhằm dồn tiền cho những công trình quốc kế dân sinh khác.
Về phần mình, Ủy ban Olympic châu Á (OCA) cũng đón nhận tin Việt Nam không đăng cai ASIAD với sự thận trọng và chủ động. Ủy ban này cũng cho biết sẽ sớm có phương án để chọn nước chủ nhà của ASIAD thay thế cho Việt Nam.
Người dân ủng hộ
Về phần mình, dư luận trong nước rất khấn khởi và ủng hộ quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các chuyên gia cho rằng, quyết định của Thủ tướng không chỉ phù hợp với lòng người mà còn giúp nền kinh tế tránh phải đối diện với nhiều rủi ro nếu tổ chức ASIAD. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách cần phải được ưu tiên cho phát triển kinh tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo.
Nếu Việt Nam tiếp tục tổ chức ASIAD, ngân sách đất nước, đặc biệt là địa phương đăng cai chính là Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù ngành thể thao khẳng định, hệ thống cơ sở vật chất đã đáp ứng 80% yêu cầu của ASIAD nhưng khoản chi xây dựng 20% cơ sở mới như đường đua lòng chảo, nhà thi đấu đa năng… và nâng cấp, cải tạo cơ sở cũ đã đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến khoản tiền chi cho đào tạo vận động viên, chi cho kinh phí tổ chức lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong cách lập luận của mình, ngành thể thao chỉ tính kinh phí tổ chức ASIAD là 3.000 tỷ đồng và được lấy từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư từ các địa phương cũng được lấy từ ngân sách nên không thể coi đó là xã hội hóa. Ngoài ra, việc hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài cũng đối diện với nhiều khó khăn bởi họ đưa ra quá nhiều điều kiện ràng buộc. Đó là chưa kể đến những khoản chi được dự tính là rất lớn cho các công trình giao thông, hạ tầng khác. Nếu phải căng sức cho các công trình phục vụ cho ASIAD, rất có thể, Việt Nam sẽ phải đối diện với tình trạng bội chi ngân sách.
Vậy nên, trong bối cảnh hiện tại, tạm dừng chưa tính chuyện đăng cai ASIAD được coi là quyết định phù hợp để tránh việc bước vào vết xe đổ của Hy Lạp, Ukraine… khi phải bội chi cho Thế vận hội 2004 và Euro 2012. Dù rằng, phải nhấn mạnh, đăng cai ASIAD sẽ có nhiều mối lợi, nhưng điều này chỉ nên diễn ra khi nền kinh tế Việt Nam đã thực sự phát triển.