Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy niềm tin NTD để tăng trưởng kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Niềm tin của người tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nền kinh tế, công ăn việc làm, chi phí sinh hoạt, đầu tư nước ngoài,...

KTĐT - Niềm tin của người tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nền kinh tế, tỷ giá đồng tiền Việt Nam, công ăn việc làm, chi phí sinh hoạt, đầu tư nước ngoài và mức sống cá nhân.

Có rất nhiều chỉ số để phân tích, dự báo về kinh tế Việt Nam trong năm 2010, trong đó niềm tin của người tiều dùng được coi là một chỉ số quan trọng.

Ông Ralf Mattheas, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường TNS đã trao đổi về vấn đề trên.

Ông đánh giá như thế nào về Việt Nam trong năm 2009 vừa qua. Đâu là vấn đề nổi cộm?

Ông Ralf Mattheas: Năm 2009 là năm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam. Theo tôi, vấn đề lớn nhất của năm qua là sự giảm sút lòng tin của người tiêu dùng. Niềm tin của người tiêu dùng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nền kinh tế, tỷ giá đồng tiền Việt Nam, công ăn việc làm, chi phí sinh hoạt, đầu tư nước ngoài và mức sống cá nhân.

Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tất cả các chỉ số trên đều suy giảm khiến cho người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn (khoảng 11% trên tổng thu nhập), không dám mạnh tay đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như tài chính, ngân hàng, chứng khoán.

Sự sụt giảm niềm tin của người dân đã ảnh hưởng như thế nào tới hành vi tiêu dùng, thưa ông?

Ông Ralf Mattheas: Điều này có ảnh hưởng hết sức nặng nề. Người dân thành thị đã điều chỉnh lại ngân sách và kế hoạch chi tiêu. Họ xem xét và dành nhiều chi tiêu hơn cho các nhu cầu thiết yếu như nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm cơ bản và chấp nhận hi sinh những mặt hàng thứ yếu như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, các mặt hàng xa xỉ.

Vì vậy, trong năm qua những ngành hàng cao cấp như máy tính, điện thoại, tivi, xe hơi, đồ gia dụng có xu hướng giảm vì giá cả đắt đỏ và nhu cầu không cấp bách. Cùng với việc phân bổ các khoản chi tiêu một cách hợp lý, người tiêu dùng cũng trở nên linh hoạt và thông minh hơn trong việc mua sắm.

Trong thời khủng hoảng, vấn đề thương hiệu sẽ ít được bàn tới. Người tiêu dùng sẽ tìm đến những sản phẩm có giá thấp hơn với chất lượng vừa phải mà không quá chú trọng nguồn gốc nhãn hiệu như trước đây. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy sự ưu tiên cho các sản phẩm và dịch vụ tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Chính vì vậy nhiều người đã lựa chọn những sản phẩm quần áo may sẵn, nước giải khát đóng chai…

Vậy trong năm 2010, làm thế nào để củng cố niềm tin của người tiêu dùng?

Ông Ralf Mattheas: Trước hết, niềm tin của người dân phải được cải thiện. Khoảng 60% cho rằng kinh tế sẽ tốt đẹp hơn trong năm 2010 (năm 2009 chỉ số này chỉ là 45%). Một nửa số người được khảo sát cho rằng mức sống của họ sẽ được cải thiện trong năm 2010, trong khi trong năm 2009 con số này chỉ là 1/3.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ giá đồng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là mối lo ngại của người dân.

Như vậy thì người dân có thể trở lại thói quen mua sắm khá rộng rãi như trước đây?

Ông Ralf Mattheas: Không hoàn toàn như vậy, tuy nhiên có sự thay đổi lớn so với năm 2009. Theo khảo sát của chúng tôi về 11 ngành hàng và dịch vụ như giáo dục, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ y tế, giao thông, sản phẩm gia dụng... thì có đến 9 lĩnh vực có dấu hiệu tăng trưởng. Giáo dục được dự báo đạt mức tăng trưởng cao nhất, trong khi lĩnh vực y tế không có nhiều biến động.

Giải trí và các sản phẩm gia dụng vẫn chưa được để tâm nhiều lắm. Thực phẩm và đồ uống vẫn được ưa chuộng, tuy nhiên người dân bắt đầu thận trọng hơn trong việc lựa chọn đồ uống.

Những điều này sẽ tạo ra cơ hội và thách thức gì cho thị trường trong năm 2010?

Ông Ralf Mattheas: Tôi nghĩ những xu hướng tiêu dùng sẽ kéo theo sự dịch chuyển của các lĩnh vực ngành nghề và các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng những điều này để phát triển và điều chỉnh các hoạt động kinh doanh của mình.

Cơ hội đã mở ra với kỷ nguyên của các đồ ăn nhanh, thức uống nhanh và chúng ta có thể thấy sự xuất hiện và mở rộng thị phần của các loại đồ uống hiện đại gần đây như các loại trà giải nhiệt, đồ uống tăng cường năng lượng hay sữa đóng nhãn.

Khi nhìn vào sự dịch chuyển trong chi tiêu của các loại đồ uống của người thành thị, chúng ta cũng thấy có sự thay đổi dần dần từ các sản phẩm dinh dưỡng dạng bột sang đồ uống. Chính vì vậy mà các sản phẩm đồ uống dùng liền (ready-to-drink) sẽ lên ngôi.

Ngoài ra, thị trường cũng chỉ ra sự tăng trưởng của các nhãn hiệu không tên tuổi, đặc biệt là các sản phẩm có kích cỡ lớn. Tuy nhiên về lâu dài bản thân các nhãn hiệu này cũng sẽ gặp những khó khăn. Đó là vấn đề chất lượng sản phẩm, sự hỗ trợ của truyền thông, quảng cáo…

Nhắc đến truyền thông, quảng cáo, ông có những dự báo gì về sự phát triển của lĩnh vực này trong năm tới. Những nhân tố mới như tiếp thị số, tiếp thị qua các trang mạng xã hội có làm nên những điều kỳ diệu như mong đợi?

Ông Ralf Mattheas: Truyền thông có sự thay đổi lớn với sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet và sự suy giảm của báo in và các phương tiện đại chúng khác. Ngay cả tivi, vốn là phương tiện có sức ảnh hưởng to lớn, cũng trở nên suy yếu.

Ngày nay, người dân sẽ có xu hướng đến các khu giải trí như rạp chiếu phim, bar hơn là ở nhà xem tivi. Các chương trình truyền hình thì buồn tẻ và sự hấp dẫn của các chương hình truyền hình cáp sẽ khiến cho rating (xếp hạng) của các nhà đài trở nên khó thuyết phục cho các khách hàng tham gia quảng cáo. Tương lai của Việt Nam sẽ là kỷ nguyên số.

Với khoảng 25 triệu người o­nline hàng tuần, cách thức liên lạc, mua sắm, nắm bắt và chia sẻ thông tin đã biến chuyển rõ rệt. Nhưng quảng cáo trên Internet vẫn còn là vấn đề cần xem xét bởi không ai biết được hiệu quả thực sự của nó. Cá nhân tôi không tin tưởng lắm vào các hoạt động tiếp thị mới như tiếp thị qua mạng xã hội hay tiếp thị di động. Tuy nhiên, khi con người còn đang bị ngập tràn bởi các quảng cáo ở khắp mọi nơi thì đó cũng là lúc bổ sung thêm một loại hình mới.

Xin cảm ơn ông./.