Thúc đẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, dần thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho thành viên HTX, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.

62% hợp tác xã hoạt động khá, tốt
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.235 HTX nông nghiệp, trong đó 1.090 HTX đang hoạt động (chiếm 88,3%) và 145 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Kết quả phân loại 947 HTX nông nghiệp của các quận, huyện, thị xã mới nhất cho thấy, có 586 HTX hoạt động khá, tốt (chiếm 62%); còn lại 334 HTX hoạt động trung bình và 27 HTX yếu.

Những năm qua, các HTX nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất trên địa bàn. Toàn TP hiện có 70 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; 50 HTX ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Hà Nội đã có 31 HTX với 106 sản phẩm được UBND TP đánh giá và công nhận là sản phẩm OCOP.
 Thu hoạch rau an toàn tại Hợp tác xã Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Ảnh: Trọng Tùng
Dù đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế tập thể, tuy nhiên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, HTX chưa phát huy hết vai trò, vị trí; chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, chưa có nhiều mô hình HTX nông nghiệp thực hiện liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn...

Nhân rộng các mô hình tiêu biểu

Kinh tế tập thể, HTX luôn được Hà Nội xác định là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung. Chính vì vậy, những năm qua, Hà Nội thường xuyên ban hành các kế hoạch phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX với kỳ vọng tạo chuyển biến thực chất cho khu vực này. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp trong năm 2021, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề ra giải pháp trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế tập thể, HTX.

Cùng với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình, tiên tiến, nhất là các lĩnh vực ngành nghề mới. Tạo điều kiện để các HTX mở rộng quy mô, phạm vi, địa bàn hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Ưu tiên phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, các HTX sản xuất giống, bảo quản, chế biến nông sản…

Bên cạnh sự chủ động của các sở, ban ngành TP, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn điều kiện và tiêu chí hỗ trợ HTX nông nghiệp theo Quyết định số 1840/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất; triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, để các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan phát triển kinh tế tập thể nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng.
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung giải thể, chuyển đổi các HTX hoạt động yếu kém, không hiệu quả, hoặc đã ngừng hoạt động theo quy định. Khuyến khích thành lập mới HTX nông nghiệp lĩnh vực chuyên ngành đảm bảo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần