Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy phục hồi kinh tế bằng các hợp đồng thương mại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tuần trước khiến Tổng thống Barack Obama buộc phải lấy lại uy tín bằng chính sách đối ngoại.

KTĐT - Thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tuần trước khiến Tổng thống Barack Obama buộc phải lấy lại uy tín bằng chính sách đối ngoại.

Chuyến công du dài ngày tới 4 nước châu Á: Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra chỉ 2 ngày sau khi cuộc bầu cử kết thúc còn khẳng định chiến lược "tái can dự" mạnh mẽ và sâu rộng vào khu vực này.


Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Obama luôn đánh giá châu Á là khu vực có vai trò quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ. Đặc biệt trong bối cảnh châu Á đang là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng và trở thành khu vực sôi động, có sức hút nhất trên thế giới.


Trong khi nước Mỹ đang phải chật vật với bài toán phục hồi sau khủng hoảng, kinh tế Ấn Độ đã phát triển rất ngoạn mục và được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển ổn định bền vững hơn cả Trung Quốc. Vừa qua, IMF đã dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ có thể đạt mức 9,6-10,5% trong năm nay, việc tăng cường quan hệ hợp tác làm ăn với Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ. Điều này cũng lý giải vì sao Tổng thống Barack Obama lại chọn Ấn Độ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du với sự tháp tùng của hơn 200 doanh nghiệp. Ông McGraw Hill, Chủ tịch tổ chức Harold McGraw và là thư ký của Tổng thống Obama trong chuyến thăm này cho biết: "Chuyến thăm này sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả hai nước. Mặc dù chỉ là đối tác buôn bán lớn thứ 14 của Mỹ, nhưng vị thế của Ấn Độ sẽ được tăng cường mạnh mẽ sau chuyến thăm này". Trước khi tới thủ đô New Delhi, Tổng thống Mỹ Obama và phái đoàn đã thăm trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ. Tại đây, các doanh nghiệp của Mỹ và Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng thương mại trị giá lên tới 10 tỷ USD, trong đó có hợp đồng mua 30 máy bay Boeing 737 trị giá 7,7 tỷ USD giữa Hãng hàng không SpiceJet (Ấn Độ) với Công ty Boeing (Mỹ).


Cùng với lĩnh vực kinh tế, chính quyền Obama cũng muốn sự gắn kết về mặt chính trị với 4 quốc gia châu Á. Khi sự hợp tác chính trị ổn định, Washington sẽ nhận được sự ủng hộ trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố, mục tiêu sống còn mà Nhà Trắng đang theo đuổi.


Ngày 8/11, Tổng thống Obama đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil và Thủ tướng Manmohan Singh, bà Sonia Gandhi, Chủ tịch Đảng Quốc đại lãnh đạo Liên minh Tiến bộ Thống nhất (UPA) cầm quyền. Sau các cuộc hội đàm chính thức, hai bên đã thông qua các tuyên bố về nhiều vấn đề như chống khủng bố, an ninh khu vực và năng lượng sạch.