Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thúc đẩy tín dụng phục vụ cho xóa đói, giảm nghèo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 15/4, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động (giai đoạn 2003-2012). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự Hội nghị.

Thúc đẩy tín dụng phục vụ cho xóa đói, giảm nghèo - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (giai đoạn 2003-2012), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ngân hàng này thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020, nhất là những giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các Nghị quyết chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của Chính phủ.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bảo đảm an sinh xã hội nói chung, xóa đói, giảm nghèo nói riêng là chủ trương lớn, là sự nghiệp mà Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm hàng đầu. Trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo được triển khai và đã mang lại những kết quả hết sức quan trọng.
 
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đoàn kết chung sức chung lòng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã luôn bám sát mục tiêu: Tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta. Mô hình này đã dựa trên và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội từ trung ương tới địa phương, gắn bó với người dân thông qua các tổ Tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị-xã hội thành lập như: Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... Hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhiệm đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo.
 
Đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung xem xét, giải quyết hợp lý, kịp thời các đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính và tăng tính tự chủ trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từng bước tăng tỉ lệ vốn cấp trong cơ cấu nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các hình thức như: Cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn dành cho các chương trình an sinh xã hội; tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp cận với các dự án vay vốn ODA; đề xuất, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách…). Rà soát lại các chương trình cho vay, chính sách để có sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu mức tín dụng cho vay phù hợp với giá thị trường. Nghiên cứu đề xuất giao định mức chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội ổn định trong thời kỳ và nâng mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo tính chủ động cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục dành một phần nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương hàng năm ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương.
 
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm qua, đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Cũng từ nguồn vốn này, đã thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 88.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài."
 
Tổng dư nợ của ngân hàng đạt 113.921 tỷ đồng, gấp 16 lần so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 32,8%. Hiện có gần 7,1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao, với dư nợ bình quân 16 triệu đồng/hộ. Tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo trong thời kỳ 2001-2005 giảm từ 17% xuống 7%; trong thời kỳ 2005-2010 giảm từ 22% xuống 9,45% và trong thời kỳ 2011-2012 giảm từ 14,2% xuống còn 10%.
 
Công tác thu hồi nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt kết quả cao, doanh số thu nợ đã bảo đảm được hơn 50% doanh số cho vay ra hàng năm; các khoản nợ quá hạn tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị cho vay trước đây về cơ bản đã được thu hồi; tỷ lệ nợ xấu giảm qua các năm... Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ chưa đầy 2%/tổng dư nợ.
 
Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay: Cơ chế tạo lập nguồn vốn chưa có tính ổn định lâu dài; cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý; chưa tiếp cận được các nguồn vốn nhân đạo, vốn ODA, các nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho các đối tượng này.
 
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thiện cơ chế tạo lập nguồn vốn, cơ chế tài chính và cơ chế tín dụng của Ngân hàng theo hướng ổn định và bền vững. Theo đó, bố trí cấp bổ sung vốn điều lệ hàng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội; tạo điều kiện để Ngân hàng tiếp cận các dự án có nguồn vốn vay ODA có mục tiêu liên quan đến các chương trình mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện; nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng, tập đoàn kinh tế đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách.
 
Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì cho tập thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.