Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện 3 biện pháp xử lý cá chết tại hồ Hoàng Cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 8/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) thị sát tình hình cá chết trên hồ và chỉ đạo 3 biện pháp khẩn cấp để cứu cá và làm sạch môi trường hồ.

Cùng đi Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng; Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội; Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục và Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào.

Trước đó, sáng 8/6, tại hồ Hoàng Cầu đã xảy ra hiện tượng cá chết lác đác, đến chiều tối cá chết càng nhiều hơn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Số lượng cá chết theo đánh giá ban đầu của người dân xung quanh hồ có thể lên đến nhiều tấn.

Ngay sau khi thị sát tình hình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì họp với Công an TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Đống Đa và các đơn vị liên quan, nghe báo cáo tình hình và bàn thảo các biện pháp giải quyết.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, đây là vấn đề phải được xử lý ngay nhằm đảm bảo môi trường hồ Hoàng Cầu, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP giao: Công ty thoát nước chủ trì, phối hợp với UBND phường, quận thực hiện ngay việc vớt toàn bộ số cá chết trên mặt hồ và mặt kè hồ. Các lực lượng túc trực suốt đêm đảm bảo vớt toàn bộ cá chết, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

 Giao Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội đưa máy sục, tạo oxy từ Khu liên hiệp xử lý rác thải (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) về hồ Hoàng Cầu, tiến hành sục tạo oxy ngay trong đêm nhằm cứu số cá còn sống trong hồ. Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội đưa ngay các chế phẩm làm sạch hồ vào xử lý trong đêm và sử dụng công nghệ thủy sinh làm sạch nguồn nước trong những ngày tiếp theo.

Giao Công an TP chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu cá, nước đưa để giám định, xét nghiệm nhằm làm rõ nguyên nhân cá chết. Yêu cầu các đơn vị lấy nhiều mẫu nước ở nhiều điểm khác nhau quanh khu vực hồ (trên 10 mẫu) để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, khách quan.