Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân với lộ trình và bước đi phù hợp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 29/6, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) đã tổ chức kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1/7) với chủ đề "Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân".

Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Kỷ niệm ngày BHYT là để khẳng định quyết tâm hành động thực hiện BHYT toàn dân với lộ trình cụ thể và bước đi phù hợp… Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu việc triển khai chính sách BHYT trong thời gian tới phải thu hút người dân tham gia, nhất là hộ gia đình cận nghèo, gia đình sản xuất nông lâm ngư diêm nghiệp, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do khu vực thành thị. Cùng với đó, ngành Bảo hiểm cũng chấn chỉnh thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT… Cụ thể, trong năm nay phải xác định rõ lộ trình với các bước đi phù hợp để triển khai cho được BHYT toàn dân. Ngành bảo hiểm cần sớm đưa chỉ tiêu số dân tham gia BHYT vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của T.Ư cũng như các địa phương; đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, công dân về BHYT; Có chính sách khuyến khích để người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là những hành vi lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT…

Đối với ngành Y tế, Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến T.Ư đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh có BHYT ngày càng tăng của nhân dân, gắn với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt chú ý thái độ trong giao tiếp với người bệnh; phát triển mạng lưới y tế dự phòng rộng khắp từ T.Ư tới thôn, bản với sự tham gia phối hợp của nhiều bộ ngành để giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến sức khỏe của cộng đồng, sự gia tăng của các bệnh không truyền nhiễm cũng như các nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nhân dân như thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

Năm 1993, cả nước mới chỉ có 5,6% dân số tham gia BHYT thì đến nay con số này đã tăng lên gần 64% dân số với 57 triệu người tham gia BHYT. Chính sách, pháp luật về BHYT ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người có thẻ BHYT.