Nhiều đóng góp thiết thực Hiện, toàn TP có 147 người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND TP Hà Nội phê duyệt để thực hiện các chế độ, chính sách theo Quyết định số 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, đội ngũ này đã có nhiều đóng góp tích cực đối với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác, qua đó, góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng tại các địa phương. Điển hình, ông Nguyễn Ngọc Quý, 75 tuổi, người có uy tín thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh (Ba Vì). Trong năm 2014, ông đã phối hợp cùng cán bộ xã, MTTQ các thôn, xóm tổ chức hòa giải 8 vụ việc nội bộ gia đình, 4 vụ việc liên quan tới công tác dồn điền đổi thửa, vận động 17 hộ dân tham gia đóng góp kinh phí xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng…
Một trường hợp khác là ông Quách Đình Lý, người có uy tín của xã Tiến Xuân (Thạch Thất). Trang trại khoảng 12ha trồng cây keo, đồng thời, nuôi trên 8.000 gà trắng thương phẩm của gia đình ông Lý không những cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho 23 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Cần được quan tâm nhiều hơn Những năm qua, TP luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tuy nhiên, ông Trần Thành Được, trưởng thôn Đồi Lý, người có uy tín của xã An Phú (huyện Mỹ Đức) chia sẻ, người có uy tín rất mong muốn được tham gia các chương trình tập huấn, tham quan mô hình, để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế. Dù vậy, số lượng người được tham gia các chương trình như vậy rất hạn chế. Bên cạnh đó, người có uy tín dù đã và đang có những đóng góp nhất định nhưng vẫn chưa có chế độ đãi ngộ thực sự hợp lý. Ông Được lấy ví dụ, cán bộ thôn tham gia công tác MTTQ được trả 500.000 đồng/tháng, tuy nhiên, đội ngũ người có uy tín chưa được hưởng trợ cấp gì! Ở khía cạnh khác, ông Đinh Công Lực - người có uy tín thôn Quê Vải, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) bày tỏ quan điểm, việc thực hiện bình xét người có uy tín trong đồng bào DTTS theo quy định hiện nay một năm/lần là chưa hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, khoảng thời gian này chưa đủ để người có uy tín thể hiện được vai trò của mình. Chia sẻ của ông Được, ông Lực cũng là mong mỏi chung của đông đảo người có uy tín trong đồng bào DTTS của Thủ đô. Xung quanh việc bình xét danh hiệu người có uy tín, trưởng Phòng Nghiệp vụ 1 (Ban Dân tộc TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, đơn vị đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, nâng thời gian bình chọn người có uy tín lên thành 2 năm/lần. Ban Dân tộc TP cũng rất quan tâm tới việc tạo điều kiện để người có uy tín có cơ hội tham gia các lớp tập huấn, tuy nhiên, do ngân sách có hạn nên công tác này chỉ mới đáp ứng được phần nào nguyện vọng. Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP cho biết thêm, nhằm đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện để người có uy tín hoàn thành tốt nhiệm vụ, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với UBND 5 huyện có đồng bào DTTS sinh sống rà soát chính sách đối với người có uy tín; tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ, kịp thời động viên, khen thưởng đối với những người có uy tín. Cùng với đó, Ban Dân tộc TP kiến nghị TP quan tâm bổ sung chính sách, đáp ứng nguyện vọng, qua đó tạo điều kiện để người có uy tín hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo huyện Ba Vì trao Giấy khen cho tập thể, người có uy tin có nhiều đóng góp cho sự phát triển đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lâm Nguyễn |