Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Phải có cách làm sáng tạo, quyết liệt mới hiệu quả

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình 03) chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và các thành viên Ban chỉ đạo chương trình.
Hoàn thành Chương trình phát triển đô thị toàn TP trong tháng 7/2021
Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong - đại diện cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, từ khi ban hành đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình 03 đã rà soát, trình Thành ủy ban hành các quyết định kiện toàn; Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ các thành viên, thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo. Về việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, Chương trình 03 đã đạt được một số kết quả cơ bản.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy phát biểu tại hội nghị.
Cụ thể, về lĩnh vực quy hoạch, TP Hà Nội đã tập trung triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn, phấn đấu phủ kín quy hoạch tiến tới quản lý theo quy hoạch. Đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô.
Về quy hoạch chi tiết, TP Hà Nội đã phê duyệt thêm 2 đồ án với tổng diện tích 54,4ha và 1 đồ án điều chỉnh tổng thể với diện tích 223,7ha. Xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn để lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn.
Đối với công tác tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, thời gian qua ,TP Hà Nội đã trồng được hơn 231.000 cây xanh. Trong đó, trồng mới, cải tạo, chỉnh trang bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh tại một số tuyến đường có giải phân cách lớn và vỉa hè rộng và tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm hệ thống cáp điện và đường dây viễn thông đến nay đã hoàn thành hạ ngầm, cắt hạ cột cũ, dây cáp cũ một số tuyến phố.
Về hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, đã hoàn thành mở mới 14 tuyến xe buýt, xây dựng phương án kết nối trung chuyển hành khách bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nghiên cứu, thẩm định cho phép triển khai dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm, vận tải bằng xe buýt đạt trên 3,2 triệu lượt xe, tổng hành khách vận chuyển ước đạt 168,3 triệu lượt, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, TP Hà Nội đã hoàn thành trình thẩm định và được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đôn đốc triển khai dự án cấp nước theo mô hình cụm hộ cho những khu vực không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung. Hoàn thiện ký hợp đồng dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại Xuân Sơn.
Trong phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, TP tiếp tục xây dựng Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch phát triển nhà ở. Thực hiện triển khai một số khu đô thị theo hướng đô thị thông minh. Trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 4 dự án nhà ở thương mại, tương ứng hơn 290.000m2 sàn, hơn 2.500 căn hộ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.
TP Hà Nội đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 đối với các dự án nhà ở đã được xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán, cho thuê mua. Đồng thời, đã ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn.
Về Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đây là một trong những trụ cột của Chương trình 03 đang được Viện Quy hoạch xây dựng tổ chức triển khai theo các nội dung góp ý của Sở QH - KT. Dự kiến sẽ hoàn thành thẩm định, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định trong tháng 7/2021.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Võ Nguyên Phong cho biết, sẽ hoàn chỉnh, ban hành các kế hoạch của Ban chỉ đạo, của UBND TP Hà Nội về triển khai thực hiện Chương trình 03 có hiệu quả. Tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 19 chỉ tiêu của chương trình. Bên cạnh đó, hoàn thành các cơ chế chính sách, văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của TP, các quy hoạch, chương trình, kế hoạch và đề án chủ yếu triển khai thực hiện trong năm 2021.
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và danh mục dự kiến các công trình ưu tiên đầu tư (dự án đầu tư công và PPP) của Chương trình 03, yêu cầu các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công, hoàn thiện hành lang pháp lý, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, hoàn thiện các hành lang pháp lý để thực hiện dự án có vốn ngoài ngân sách…
Quan tâm xây dựng cơ chế chính sách
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, đóng góp ý kiến đối với báo cáo tình hình triển khai và dự thảo kế hoạch của Ban Chỉ đạo chương trình, của UBND TP Hà Nội thực hiện Chương trình 03. Trong đó, nổi bật là đề xuất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách để có thể thực hiện tốt các mục tiêu chương trình đề ra.
Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, việc triển khai nhiệm vụ “Rà soát, lập danh mục, phân loại các công trình kiến trúc khác có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội” đã được Viện Quy hoạch xây dựng và Sở QH - KT tổ chức triển khai, tuy nhiên còn vướng mắc về nguồn vốn và phương pháp tính dự toán chi phí thực hiện cần có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.
 Toàn cảnh hội nghị.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân góp ý, muốn thực hiện được các mục tiêu chương trình cần phải ưu tiên xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ so với những đề án, kế hoạch. Do đó, trong kế hoạch các sở ngành cần quan tâm đặc biệt đến nội dung này, vì quá trình ra được cơ chế chính sách mất rất nhiều thời gian.
Về nội dung này, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Chương trình 03 là chương trình lớn, để thực hiện đòi hỏi nhiều nguồn lực, tuy nhiên lại vướng rất nhiều cơ chế chính sách. Do đó đề nghị các sở, ngành cần rà soát lại cơ chế liên quan đến phát triển nhà tái định cư, giá bán lẻ nước sạch... cũng như lựa chọn đầu việc, danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên.
Về phía các địa phương, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho rằng, Ban Chỉ đạo cần quan tâm đến cơ chế, chính sách, ưu tiên sớm triển khai phân cấp các quận, huyện trong việc thực hiện một số nội dung như: Cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang công viên, vườn hoa và quản lý sau đầu tư; cải tạo đường giao thông tại các khu vực đông dân cư…
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03 Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao những ý kiến góp ý trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn của các thành viên và đề nghị cơ quan thường trực chương trình là Sở Xây dựng tiếp thu, bổ sung vào dự thảo các kế hoạch.
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03 khẳng định, trong 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy, chương trình nào cũng quan trọng, nhưng với Chương trình số 03-CTr/TU, đây thực sự là chương trình lớn, khó và phức tạp, gồm 3 lĩnh vực là chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kinh tế đô thị. Do đó, để thực hiện đạt hiệu quả cần có cách thức làm bài bản, trí tuệ khoa học, sáng tạo, quyết liệt.
Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 03 Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các đơn vị sở ngành, quận, huyện, thị xã trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện phải thật chi tiết, cụ thể, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khi xây dựng kế hoạch của đơn vị cần chủ động triển khai định lượng rất cụ thể chỉ tiêu mà chương trình đã đề ra. Có như vậy các mục tiêu mới sát thực tế. Đối với cơ chế chính sách cần làm dứt điểm giải quyết trong năm 2021. Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 03 cần tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong quá trình thực hiện để chia nhóm để tháo gỡ.