Kinhtedothi - Sáng 11/9, dự án 100 tập phim phóng sự truyền hình "Việt Nam văn hóa thờ thánh Mẫu" chính thức ra mắt báo giới. Buổi ra mắt thu hút đông đảo các nhà khoa học, các thanh đồng và giới truyền thông. Bởi theo đạo diễn Nguyễn Minh Tuấn - người thực hiện bộ phim này, những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, để được làm phim ký sự truyền hình về tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ có trong giấc mơ.
Vừa là nhà viết kịch, vừa là đạo diễn bộ phim "Việt Nam văn hóa thờ thánh Mẫu", ông có thấy khó khăn khi tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa tâm linh nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều?
- Tôi có 12 năm để nghiên cứu, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tôi rất mừng là so với 12 năm trước thì hiện nay, quan niệm về tín ngưỡng thờ Mẫu đã hoàn toàn khác. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, ekip nhận được sự hướng dẫn nội dung của GS.TS Ngô Đức Thịnh, thẩm định lịch sử của nhà sử học Dương Trung Quốc. Họ là những người có tầm hiểu biết, bề dày nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Từ các vấn đề của tín ngưỡng thờ Mẫu cho đến việc từng tầng lớp văn hóa chứa đựng trong di sản luôn làm đau đầu các nhà khoa học. Ông giải quyết những vấn đề này như thế nào trong bộ phim ký sự truyền hình của mình?
- Bộ phim đã trải qua 3 lần đổi tên mới đi đến thống nhất là "Việt Nam văn hóa thờ thánh Mẫu". Điều này để thấy được những dụng ý mà nhà sản xuất cân nhắc trong từng câu từ, bao quát được hết hàm ý giá trị của di sản văn hóa. Bộ phim được thể hiện theo trường phái di sản văn hóa tâm linh, có từ ngàn đời của người Việt; Minh chứng một số ý nghĩa nổi bật về di sản văn hóa thờ Mẫu, chứ không chỉ là những câu chuyện mê tín dị đoan như người ta thường thấy về tín ngưỡng này, mà tín ngưỡng còn đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc, thờ các vị anh hùng dân tộc... 100 tập phim "Việt Nam văn hóa thờ thánh Mẫu" thông qua lối thi hát, trang phục, bài trí, động tác... sẽ minh chứng về giá trị di sản mà tín ngưỡng này đem lại.
Nhiều người cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu còn quá nhiều yếu tố "nhạy cảm" cần phải làm sáng tỏ. Ông có lo bộ phim sẽ bị hội đồng kiểm duyệt không thông qua hoặc yêu cầu cắt gọt?
- Hiện nay, quan niệm về tín ngưỡng thờ Mẫu của cả người dân lẫn các nhà quản lý văn hóa đã cởi mở. Bằng chứng là năm 2012, Bộ VHTT&DL đã tôn vinh "Nghi lễ chầu văn", một trong những thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2014, được phép của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt" để trình UNESCO xem xét tôn vinh. Trong quá trình làm phim, tôi thấy nhiều thanh đồng đã có tâm gìn giữ di sản theo đúng bản chất vốn có, nhưng cũng không ít người lợi dụng làm lệch lạc để trục lợi. Theo tôi, để hướng di sản đi theo đúng quỹ đạo, chúng ta không nên cấm đoán mà công khai. Việc cắt hay loại bỏ phim là quyền của Hội đồng thẩm định của các Đài truyền hình. Nhưng, với sự chân thật, hướng đi đúng vào giá trị di sản tôi không e ngại vấn đề này.
Để sản xuất 100 tập phim chắc chắn sẽ tốn nhiều kinh phí. Tại sao những người làm phim lại không hồ hởi đón các nhà tài trợ?
- Chúng tôi không muốn khi nhận tài trợ sẽ bị làm theo quá nhiều yêu cầu về công tác nội dung. 100 tập chắc chắn sẽ tốn tiền tỷ, thậm chí là chục tỷ. Câu chuyện tiền nong là việc của xưởng phim Hòa Bình, nhưng tôi tin ông Giám đốc đã tìm được đầu ra. Bởi vì không dại gì lại đầu tư khoản tiền lớn mà không biết thu về như thế nào.
Dự kiến bao giờ "Việt Nam văn hóa thờ thánh Mẫu" hoàn thành?
- Bộ phim đã khởi quay từ tháng 6/2014 nhưng cũng phải mất gần một năm nữa mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, nếu những tư liệu của phim có thể đóng góp cho vấn đề xem xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO thì chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ.
Xin cảm ơn ông!
Một tiết mục trong đêm chung kết Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần thứ nhất.
|