Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hư danh sách 60 nước ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Lan HươngTheo WSJ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời báo phố Wall đã chỉ ra rằng, bản danh sách 60 nước mà Trung Quốc vẫn “rêu rao” là ủng hộ nước này về vấn đề Biển Đông là không chính xác. Nhiều quốc gia còn bất ngờ khi tên mình được nêu trong danh sách.

Vương quốc Lesotho (châu Phi) không có quyền lợi rõ ràng ở Biển Đông, nhưng quốc gia này lại nằm trong 60 nước mà Trung Quốc tuyên bố là ủng hộ quan điểm của nước này về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Sự liên quan “bất ngờ” của Lesotho và các quốc gia nhỏ cách xa châu Á vào vấn đề Biển Đông là sản phẩm của bản tập hợp các nước ủng hộ Trung Quốc trước thềm phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài thường trực PCA ở The Hague (Hà Lan) sẽ diễn ra trong tháng này.
Hình ảnh cho thấy sự xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh cho thấy sự xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, WSJ cho hay, thực chất, phản ứng của các nước kém nhiệt tình hơn nhiều so với sự mô tả của Trung Quốc. Chỉ có 8 quốc gia công khai tuyên bố ủng hộ việc bác bỏ thẩm quyền Tòa PCA của Bắc Kinh.
Đó là Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho, theo tuyên bố công khai được WSJ và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tìm hiểu.

5 quốc gia trong danh sách của Trung Quốc đã bác bỏ việc ủng hộ Bắc Kinh, trong đó có 2 thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đối với quốc gia liên tục lên án Mỹ vì “quốc tế hóa” các tranh chấp, thực tế này cho thấy, Bắc Kinh có thể bị cô lập. Các kết quả này cũng cho thấy sự giới hạn của Trung Quốc, kể cả các quốc gia đang mong muốn sự hỗ trợ về kinh tế của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận thẩm quyền của tòa án và sẽ không tuân theo phán quyết về vụ kiện của Philippines. Mỹ và các đồng minh, bao gồm G7 trong tháng qua đều lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết.

Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách cảm ơn hàng chục các quốc gia ủng hộ nước này. Mặc dù không công bố một danh sách chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tổng số là hơn 40 quốc gia vào tháng trước và hàng loạt phương tiện truyền thông nhà nước tuần này đã đưa tin, Bắc Kinh có 60 quốc gia ủng hộ.

Quan chức Trung Quốc cho biết, nhiều quốc gia Ả Rập đã bày tỏ sự ủng hộ trong Tuyên bố Doha tại cuộc họp ở Qatar tháng trước. Nhưng tuyên bố này không được công bố công khai và cả giới chức Trung Quốc lẫn Qatar đều không cung cấp bản sao. Một quan chức Trung Quốc cho hay, bản tuyên bố vẫn đang được dịch.

Nga, cường quốc duy nhất trong danh sách của Trung Quốc, nhất trí, tranh chấp này không nên được quốc tế hóa nhưng không bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ.

Trong khi đó, Ba Lan, một thành viên của EU, đã ngạc nhiên khi Bắc Kinh “đột nhiên” ban hành tuyên bố trong khi không được sự chấp thuận của cả 2 bên. Tuyên bố này được giới chức Ba Lan cho là “không phản ánh chính xác lập trường của Ba Lan” về vấn đề Biển Đông.

Slovenia, một thành viên khác của EU, và nhà nước Bosnia và Herzegovina, cũng phủ nhận tuyên bố chính thức của Trung Quốc rằng họ ủng hộ Bắc Kinh.