Thực phẩm, bánh kẹo handmade: Cẩn trọng với chất lượng

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cũng là lúc các loại bánh, kẹo làm bằng phương pháp thủ công (handmade) được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy người bán giới thiệu là hàng gia truyền nhưng việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc, chất lượng… những mặt hàng này lại không hề dễ dàng.

 Đội liên ngành kiểm tra chất lượng VSATTP bánh mứt kẹo tại cửa hàng kinh doanh trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Thu Hương
Tràn lan hàng... nhà làm

Thời gian này, trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... người tiêu dùng không khó để tìm thấy những quảng cáo về thực phẩm... nhà làm, đặc sản nhà quê. Tại Facebook “Đồ ăn handmade”, hàng chục món ăn như chả nấm, cốt lẩu thái, chả bề bề viên... được quảng cáo, ráo bán. Tại Facebook “Xóm ăn đêm” có hàng chục sản phẩm như giò me, giò bò Nghệ An có giá từ 250.000 – 350.000 đồng/kg; thịt bò khô có giá 800.000 – 900.000 đồng/kg; thịt trâu gác bếp có giá khoảng 900.00 đồng/kg, xúc xích, lạp sườn 170.000 - 200.000 đồng/kg... Cùng với giá bán là những lời quảng cáo như 100% làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại… tạo cho người mua cảm giác tin tưởng, an tâm chất lượng, ATTP.

Ngoài thực phẩm handmade, các loại bánh, kẹo, mứt Tết cũng đang được chào bán với giá khá cao. Cụ thể, mứt cà rốt, gừng dẻo giá 320.000 đồng/kg, mứt dừa, đu đủ hay mứt bí 290.000 - 320.000 đồng/kg. Ngoài hình thức bán lẻ từng loại mứt, nhiều cơ sở bán hàng online còn rao bán hộp mứt có trọng lượng 1kg, bao gồm 8 - 10 loại khác nhau với giá 200.000 đồng/hộp. "Hộp mứt có thể được đóng gói theo yêu cầu khách hàng tùy thuộc nhu cầu trưng bày hoặc biếu, tặng. Các loại mứt handmade được sản xuất theo phương pháp cổ truyền, không có phụ gia, chất bảo quản nên hạn sử dụng chỉ trong 6 tuần sau khi sản xuất, nếu để tủ lạnh có thể dùng trong 7 - 8 tuần" - một chủ cơ sở sản xuất mứt Tết handmade trên đường Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy cho biết.

Không chỉ được rao bán trên các trang mạng xã hội mà tại các phố Hàng Buồm, Hàng Giầy, Ngõ Gạch, chợ Ðồng Xuân (Hà Nội)... các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt phục vụ Tết Nguyên đán như mứt mơ, mít sấy dẻo, mứt xoài, mứt cùi bưởi, mứt dứa... cũng được bày bán khá nhiều. Các sản phẩm này được đựng trong các túi bóng lớn mà không ghi bất cứ thông tin gì về sản phẩm. Khi được hỏi về nguồn gốc hàng hóa, các chủ hàng đều né tránh hoặc trả lời cho "có lệ" như: "Ðây là sản phẩm gia truyền"...

Quản lý bằng cách nào?

Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng, trong khi thực phẩm được bày bán tại các chợ, các siêu thị được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát khá kỹ lưỡng thì vấn đề ATTP đối với các mặt hàng được bán theo hình thức online trên các trang mạng xã hội hiện nay không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan quản lý nào trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý ATTP ở nước ta là tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu, công nghệ kém từ không ít các hộ kinh doanh… đã dẫn đến tình trạng mất VSATT, nhất là khi các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ… vẫn phổ biến ở nhiều địa phương.

Để tăng cường công tác quản lý thực phẩm dịp Tết, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND về bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021. Trong đó, từ ngày 15/12/2020 đến 25/3/2021 sẽ thanh, kiểm tra các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống... để ngăn chặn từ gốc thực phẩm "bẩn".
Thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại. Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết ở các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần