Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm nhập khẩu cảnh báo giá cả nhích lên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tham khảo trên thị trường, giới kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng nhập khẩu phản ánh, giá cả nhìn chung vẫn khá ổn định, chưa nhận được các thông báo tăng giá từ nhà cung cấp.

KTĐT - Tham khảo trên thị trường, giới kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng nhập khẩu phản ánh, giá cả nhìn chung vẫn khá ổn định, chưa nhận được các thông báo tăng giá từ nhà cung cấp.

Sau đợt điều chỉnh tăng trên dưới 10% cách đây hơn một tháng, giá thực phẩm nhập khẩu hiện khá ổn định. Nhưng nói về tình hình cuối năm, nhiều doanh nghiệp cảnh báo về khả năng giá cả tiếp tục nhích lên.

Ông Trần Văn Toản – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Thiên Vương, nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, bò, gà, cừu… nhập khẩu từ Australia, New Zealand... tại Hà Nội, ngay từ lúc này đã khẳng định, “các lô hàng nhập về cho vụ Tết sắp tới, chắc chắn giá cả sẽ phải điều chỉnh lên”.

Theo ông Toản, vấn đề không phải là tỷ giá ngoại tệ, bởi chưa biết từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến như thế nào, mà cái chính là giá nhiều mặt hàng từ nước ngoài đang tăng ở mức 3-5%.

“Những lô hàng cũ thì chúng tôi vẫn bán giá cũ, nhưng hàng mới nhập về dự kiến sẽ phải điều chỉnh. Mức độ thế nào chưa nói trước được”, ông Toản nói.

Các doanh nghiệp chuyên nhập và phân phối thực phẩm nhập khẩu cho biết, đến thời điểm này, họ đã gần như hoàn tất kế hoạch nhập hàng cho vụ Tết, ký kết xong xuôi hợp đồng với các hãng nước ngoài.

Dù không thấy đề cập đến hiện tượng tăng giá từ nguồn nhập nhưng bà Hoàng Hường – Giám đốc Công ty Hương Thủy tại TP.HCM hiện cũng đã bật mí: “Hàng Tết sẽ phải lên giá”.

Là nhà nhập khẩu, phân phối vài trăm mặt hàng, chủ yếu là thực phẩm, việc tỷ giá USD biến động khó lường, những ngày đầu tuần qua trên thị trường tự do có lúc 1USD vượt xa 19.000 đồng, bà Hường cho biết doanh nghiệp đã phải “gồng mình” chịu giảm lợi nhuận khi mà giá đầu vào tăng, giá bán vẫn phải giữ nguyên.

Có thể hình dung, một hộp bánh giá 1 đôla, trước đó, giá vốn là 18.000 đồng, đợt vừa rồi nguyên giá đã lên trên 19.000 đồng. Doanh nghiệp đã lỗ trên 1.000 đồng mà giá bán ra không điều chỉnh kịp thì lợi nhuận giảm đi – bà Hường lấy ví dụ đồng thời quả quyết: “Nếu tình hình tỷ giá vẫn căng thẳng thì có thể từ cuối tháng 11, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh sớm giá bán”.

Thận trọng hơn, một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm khác tại Hà Nội là Công ty Minh Anh cho biết, chủ trương hiện tại của đơn vị là bình ổn giá từ nay đến cuối năm. Bởi đợt tăng giá gần nhất mới diễn ra cách đây hơn 1 tháng với lý do tỷ giá EUR tăng mạnh.

“Nhiều thông tin nói rằng kinh tế đã thoát khỏi suy thoái nhưng mức độ tiêu dùng của người dân vẫn kém. Việc tăng giá, doanh nghiệp phải cân nhắc rất kỹ, bởi tăng cao thì doanh nghiệp cũng giảm doanh số và lợi nhuận.

Nhưng trường hợp bất khả kháng, khi tỷ giá ngoại tệ ở mức cao trong thời gian dài, đơn vị cũng không loại trừ khả năng tiếp tục điều chỉnh giá sản phẩm”, đại diện công ty Minh Anh cho biết.

Tham khảo trên thị trường, giới kinh doanh thực phẩm và hàng tiêu dùng nhập khẩu phản ánh, giá cả nhìn chung vẫn khá ổn định, chưa nhận được các thông báo tăng giá từ nhà cung cấp. Tuy nhiên, những mặt hàng nhập khẩu có tính thời vụ như sữa cho trẻ em xách tay thời gian qua đã có mức tăng giá rõ rệt.

Đơn cử, hộp sữa 800g nhãn hiệu Aptamil của Đức tại cửa hàng thực phẩm NTA đầu phố Láng Hạ, cách đây không lâu giá bán là 395.000 đồng, nay đã lên 430.000 - 440.000 đồng. Sữa bột Hipp cũng có mức tăng tương tự.

Theo chủ cửa hàng, tăng đến 45.000 đồng/hộp như vậy không phải do khan hiếm mà vì tỷ giá đồng/EUR, từ mức 26.500 đồng trước kia nay đã lên gần 28.000 đồng/EUR.