Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm "tăng nhiệt" cho mùa đông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày thời tiết rét đậm kèm theo những cơn mưa phùn thế này, bên cạnh việc giữ ấm bằng quần áo, bạn hãy quan tâm đến những món ăn có tác dụng chống chọi lại cái rét cho cả gia đình.

Thực phẩm giàu protein

Các chuyên gia cho rằng, một số thực phẩm có thể kích thích sản sinh nhiệt tốt hơn các thực phẩm khác, chẳng hạn như thực phẩm giàu protein. Chúng giúp cơ thể tăng nhiệt tốt hơn so với những thực phẩm chứa tinh bột hoặc chứa chất béo, vì thế chúng có khả năng giữ ấm tốt hơn. Song, bạn nên chọn protein ít béo như các loại cá, gia cầm và thịt nạc... nhằm tránh nạp quá nhiều chất béo và calo.

 Thực phẩm chứa nhiều sắt

Sắt là loại vi chất quan trọng trong cơ thể, giúp sản sinh hồng cầu trong máu. Thiếu sắt đồng nghĩa với việc quá trình này sẽ gặp phải những khó khăn hoặc có thể bị ngừng trệ. Hơn thế nữa, các chuyên gia cho rằng thiếu máu do thiếu sắt chính là thủ phạm làm giảm khả năng chịu lạnh của bạn trong mùa đông.

 Thực tế cho thấy ở những người phụ nữ thiếu máu, nhiệt độ trung bình của cơ thể thấp hơn ở những người bình thường là 0,7 độ C, nhiệt lượng trong cơ thể cũng thấp hơn khoảng 13%.

 Do vậy, muốn giữ ấm cho cơ thể trong những ngày mùa đông, nên chú trọng, ưu tiên những thực phẩm có chứa nhiều sắt. Sắt thường tập trung chủ yếu trong các loại thực phẩm quen thuộc như: gan, thịt nạc, thịt bò, trứng, rau bina…
Thực phẩm "tăng nhiệt" cho mùa đông - Ảnh 1
 Trà nóng, canh nóng và cháo nóng

Trà nóng và canh nóng giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể và giữ ẩm đường hô hấp. Nếu bị cảm lạnh hoặc cúm, đừng quên ăn súp gà. Theo một nghiên cứu, súp gà có thể đẩy nhanh dòng chảy chất nhầy trong cơ thể nhanh hơn các loại canh nóng khác.

 Mật ong

Từ thời xa xưa, mật ong đã là một thành phần có trong nhiều loại thuốc chữa bệnh. Đặc tính nổi bật nhất của loại thực phẩm này đó là công năng kháng khuẩn, phòng chống vi trùng. Một ly nước cam pha với mật ong sẽ giúp bạn giải quyết hiệu quả các chứng ho, đau họng, đồng thời còn góp phần làm tăng sức đề kháng, giữ ấm cho cơ thể.

 Ngoài ra có thể thêm một số gia vị cay vào món canh nhưng không nên cho quá nhiều. Đồ gia vị cay như gừng, hành tây, ớt, hạt tiêu, tỏi và cà ri, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và sinh nhiệt. Ngoài ra, những nguyên liệu này có thể giúp ngăn ngừa và điều trị các bệnh thường gặp ở mùa đông như cảm lạnh, cúm. Thông thường người ta thường cho thêm các gia vị truyền thống như hành, tỏi, tiêu vào món canh, sau khi bay hơi sẽ giúp thông mũi, giảm nghẹt mũi.

 Các loại trái cây thuộc họ cam quýt

Lựa chọn hàng đầu trong việc chọn trái cây cho mùa đông là những loại thuộc họ cam quýt, vì chúng có chứa một lượng rất lớn vitamin C, cũng là những loại trái cây phổ biến và thông dụng trong mùa đông. Chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh các chứng bệnh thông thường vào mùa đông như cảm cúm, viêm họng, cảm lạnh, giữ ấm cho cơ thể…

  Ngoài ra, các loại trái cây thuộc họ cam, quýt còn chứa canxi, photpho, caroten và axit xitric có tác dụng giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu.

 Với trái cây thuộc họ cam quýt, bạn nên ăn trước giờ ăn một giờ hoặc sau khi uống sữa để không làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ.

 Ăn lẩu, uống rượu vẫn được coi là một trong những phương pháp chống hàn “truyền thống”. Thực tế lẩu và rượu có thể làm tăng cảm giác ấm áp, song lại không phải là phương pháp thích hợp với tất cả mọi người. Nguyên nhân là do thời tiết mùa đông thường hanh khô, trong khi đó gia vị lẩu lại thiên về nóng, những người hay bị khô miệng rát lưỡi, đau họng, táo bón... không nên dùng đến cách này. Rượu cũng vậy, sau khi uống luôn đem lại cảm giác ấm nóng, song đây chỉ là cảm giác giả do hệ thần kinh đem lại. Sự ấm áp này thường rất ngắn ngủi, lại khiến mạch máu nở rộng, sau khi nhiệt lượng mất đi còn khiến bạn lạnh hơn.