KTĐT - Giá các loại thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn tăng khá mạnh trên thị trường Hà Nội. Giới tư thương cho biết đây là tình hình đã được dự đoán.
Những ngày qua, giá lương thực, thực phẩm trên toàn quốc đều đồng loạt “sốt” giá với mức tăng trung bình từ 20-40%. Thậm chí một số mặt hàng tươi sống còn tăng đến 70-80%. Nguyên nhân phần lớn là do “tát nước theo mưa”, tư thương tự đẩy giá lên.
Hà Nội: Giá thực phẩm tăng từng ngày
Giá các loại thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn tăng khá mạnh trên thị trường Hà Nội. Giới tư thương cho biết đây là tình hình đã được dự đoán. So với thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán 2011, mức tăng này dao động từ 20 - 30%.
Ghi nhận của PV tại một số chợ lớn tại Hà Nội như: chợ Bưởi, Tam Đa, Ngọc Hà, Cống Vị, Thái Hà, Thành Công, Cầu Giấy… trong ngày 22/3 cho thấy giá các loạt thực phẩm và rau xanh tăng từng ngày.
Trong đó, giá thịt lợn thăn từ 75.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg, sườn từ 75.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ tăng từ 75.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg, thịt nạc mông tăng từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng/kg; thịt bò tăng nhẹ 10%, dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg (tùy loại); thịt gà ta thịt sẵn tăng từ 120.000 đồng/kg tăng lên 140.000 đồng/kg...
Anh Nhân - một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Ngọc Hà cho biết: “Lợn móc bây giờ đã 75.000 đồng/kg rồi, thịt tăng giá từng ngày. Giá xăng dầu tăng, thị trường cái gì cũng tăng giá mà thịt không tăng mới là chuyện lạ”.
Đối với các loại thực phẩm thủy hải sản: cua đồng tăng từ 12.000 đồng/lạng tăng lên 15.000 đồng/lạng, tôm trứng từ 13.000 đồng/lạng tăng lên 15.000 đồng/lạng, tôm sú loại to ngon từ 310.000 đồng lên 330.000 đồng/kg, ngao trắng to từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg, mực tươi tăng từ 130.000 đồng lên 150.000 đồng/kg;
Giá rau muống 7.000 đồng/mớ, xu hào 6.000 đồng/củ, rau cải ngọt 5.000 đồng/mớ, cải thảo 8.000 đồng/kg, bắp cải 7.000 đồng/kg, su su quả 8.000 đồng/kg; giá đỗ 15.000 đồng/kg, cà chua 12.000 đồng/kg, hành hoa 14.000 đồng/kg, bí xanh 6.000 đồng/kg; đậu phụ 2.000 đồng/bìa nhỏ…
Hoa quả cũng là mặt hàng tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, theo khảo sát chiều 22/3: xoài Thái giá 40.000 đồng/kg, hồng xiêm 30.000 đồng/kg, táo đường 35.000 đồng/kg, cam đường 35.000 đồng/kg, nho Mỹ 150.000 đồng/kg. Các loại hoa quả trái mùa hoặc được vận chuyển từ miền Nam ra Hà Nội giá cũng tăng gấp 1,5 - 2 lần so với hồi đầu tháng 3.
Ngoài ra, các loại đồ khô và phụ gia cũng tăng giá từ 15 - 20% so với thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, như: mỳ tôm (tùy loại) tăng từ 10 - 15%, thảo quả tăng từ 6.000 đồng/lạng lên 8.000 đồng/lạng; mắm tép chưng thịt tăng từ 170.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg...
Chị Quyên - ở phường Vạn Bảo, quận Ba Đình cho hay: “Đi chợ mà tôi thấy xót ruột quá, cái gì cũng tăng giá, tình hình cứ thế này thì tôi sẽ phải cắt giảm chi tiêu trong nhiều sinh hoạt của gia đình”.
Tại các siêu thị, ngoài các mặt hàng thuộc nhóm bình ổn thì hầu hết đều tăng giá, mức tăng ngang với thị trường tự do.
Các mặt hàng thủy hải sản cũng tăng giá từ 10 - 20%. (Ảnh: Quỳnh Anh)
Trao đổi nhanh với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đã xác nhận diễn biến thị trường tiêu dùng có xu hướng tăng giá. Ông Đồng cho biết để kiểm soát tình hình này, trước hết sẽ mở thêm các cửa hàng bình ổn giá.
Về tình hình này, có ý kiến cho rằng nếu không có biện pháp quản lý nhằm đảm bảo trong phân phối lưu thông hàng hóa qua các chợ đầu mối và chợ bán lẻ thì sự biến động của thị trường sẽ còn tiếp diễn.
TPHCM: Giá thực phẩm chạy đua trước bình ổn
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa TPHCM chính thức bước vào giai đoạn bình ổn giá năm 2011, tuy nhiên các doanh nghiệp bình ổn đều “than thở” lỗ vốn nên đề nghị tăng giá các mặt hàng bình ổn thiết yếu như dầu ăn, thịt, trứng và thậm chí cả gạo...
Khảo sát tại các chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Gò Vấp, chợ Tân Bình… giá thịt heo từ giữa tháng 3 đã tăng ít nhất 20%, các loại thực phẩm thay thế khác như thịt gà, thịt bò, thủy sản... cũng được người bán tăng 2.000 - 10.000 đồng/kg (tùy loại).
Bà Hoàng Thị Lan - chủ sạp thịt heo ở chợ Bà Chiểu cho rằng, thức ăn chăn nuôi cao, lượng heo đưa ra ngoài Bắc nhiều do ở các tỉnh đang bị dịch bệnh. Chính vì thế giá mặt hàng này bị thương lái tăng cao.
Hiện tại giá thịt heo được bán từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (trước tết giá heo cũng chưa đến 65.000 đồng/kg). Trong đó sườn non đã tăng lên đến 120.000 đồng/kg, ba rọi 95.000 đồng/kg, thịt đùi 90.000 đồng/kg… Tương tự, thịt bò cũng tăng giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Cầm 500.000 đồng đi chợ mua thực phẩm tươi sống cho cả nhà ăn một tuần, chị Hoàng Lan, ngụ ở chung cư 336 Phan Văn Trị, Bình Thạnh cho biết: “Trước đây mình hay mua ăn theo ngày nhưng giờ đành phải mua ăn cả tuần. Lấy số lượng lớn để đỡ tốn kém hơn. Vậy mà với gần 500.000 đồng nhiều lúc cuối tuần tôi vẫn phải đi mua thêm về mới đủ dùng”.
Không chỉ giá thịt heo tăng một số loại rau, quả do vào cuối vụ, chi phí vận chuyển tăng và thời tiết không thuận lợi nên giá tăng mạnh từ 1.000 - 3.000 đồng (tùy loại) so với tuần trước: cà chua tăng 2.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, rau cải, cải bắp tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, xu hào tăng 1.000 đồng/củ, quýt ngọt, xoài tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg…
Việc giá thực phẩm tăng cao khiến các quán ăn, hàng quán đều đã tăng thêm 15 - 30%. Hiện giá bán một tô phở bình thường cũng đã 20.000đ, một ly nước mía cũng đã tăng từ 3.000 đồng/ly lên 5.000 đồng/ly.
Các mặt hàng bình ổn giá cũng xin tăng giá (Ảnh: Hoài Lương)
Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty lương thực TPHCM - nơi chuyên cung cấp mặt hàng gạo, dầu ăn và đường cho chương trình bình ổn giá cho rằng: “Việc chênh lệch giá hàng bình ổn so với giá bên ngoài thị trường bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 10/2010 và ngày càng tăng cao hơn trong một vài tháng gần đây khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Điển hình như giá vốn 1 lít dầu ăn hiệu con két công ty lấy vào là 34.000 đồng, nhưng vẫn phải bán giá đăng ký bình ổn từ tháng 6/2010 có 24.500 đồng; tương tự là giá đường lấy vào 24.000 đồng, bán ra 18.000 đồng; gạo lấy vào gần 9.000 đồng, bán ra 8.000 đồng…”.
Còn phía công ty Vĩnh Thành Đạt cũng cho rằng, mấy ngày qua giá một quả trứng gà mua tại trại đã tăng thêm 300 đồng, từ 1.200 đồng lên 1.500 đồng, cộng thêm chi phí vận chuyển, xử lý, bao bì thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chỉ được bán theo giá bình ổn 2.100 đồng. Chính vì điều này nên đơn vị này cho rằng sau khi hết đợt bình ổn vào cuối tháng 3 tới đây việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi. Mức tăng có thể là 20%.
Đà Nẵng: Không có kinh phí để bình ổn giá
Tại Đà Nẵng, theo khảo sát của PV chiều 22/3, tại các chợ lớn trong trung tâm thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, giá các loại lương thực, thực phẩm đều “đội” thêm một giá so với đợt tăng giá sau Tết.
Tại chợ Cồn, khan hiếm nhất và cũng “đội” giá nhanh nhất trong một tuần trở lại đây là các loại thịt heo, bò, do không nhập hàng từ các địa phương lân cận đang có dịch lở mồm, long móng. Trung bình mỗi loại tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Đơn cử như thịt nạc tăng từ 85.000 đồng lên 100.000 đồng/kg. Thịt bò tăng từ 160.000 - 170.000 đồng/kg lên đến 200.000 đồng/kg.
Một chủ hàng thịt heo tại chợ Cồn cho biết: Do ít nguồn hàng nên các đầu mối cung cấp tăng giá, buộc hàng phải tăng giá.
Các mặt hàng rau xanh tăng giá từng ngày. (Ảnh: Khánh Hiền)
Một số mặt hàng khác không khan hiếm nhưng cũng “tát nước theo mưa”, “ưng thì lên giá” như phàn nàn của người tiêu dùng. Cụ thể như các loại tôm, cá tăng bình quân từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; cá thu tăng từ 130.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg, tôm tăng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Phương Xuân (thường trú đường Trần Phú, Q. Hải Châu), bà nội trợ thường xuyên đi chợ Hàn, Đà Nẵng phàn nàn: “Nhiều loại không biết họ tăng giá vì lý chi, chắc chỉ ưng thì lên giá thôi như rau củ chẳng hạn. Mấy bữa 2.000 - 3.000 đồng có bó rau, chừ thì phải 5.000 đồng trở lên. Mua 1.000 - 2.000 đồng tiền ớt, tỏi mà họ chê không bán, họ kêu tại vàng lên, đô lên, xăng lên. Thiệt, bữa ni đi ngày chợ, tệ cũng mất 100.000 đồng, những người lương có 1-2 triệu/tháng thì “thắt lưng buộc bụng” kiểu chi, trong khi đâu phải ai cũng một lương nuôi một miệng ăn”.
Trong khi đó tại các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn Đà Nẵng chỉ thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng theo chủ trương của hệ thống.
Đại diện siêu thị Big C Đà Nẵng cho biết, siêu thị không có chương trình cam kết bình ổn giá với mặt hàng nào, chỉ chủ trương bình ổn theo phương thức tung ra các đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm. Một số lương thực, thực phẩm cũng duy trì mức giá thấp hơn thị trường bên ngoài như trứng, sữa, dầu ăn...
Trao đổi với PV chiều 22/3, ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cho biết: “Các doanh nghiệp, siêu thị kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn nếu có thì chủ trương bình ổn giá theo chủ trương của hệ thống, đơn vị.
Thành phố chỉ chủ trương kêu gọi, trợ giá các doanh nghiệp, siêu thị bình ổn giá trong đợt Tết vừa qua, còn hiện nay không có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị cam kết bình ổn giá”.