Thực trạng tuyển sinh ngành xây dựng, cơ hội và thách thức

Theo Báo điện tử Xây dựng
Chia sẻ Zalo

Công tác tuyển sinh và đào tạo sinh viên theo đúng chuyên ngành đào tạo sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo ra hiệu quả lao động, đặc biệt trong ngành xây dựng.

Với mong muốn trở thành diễn đàn trao đổi về những vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo. Báo Xây dựng phối hợp với Trường Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thực trạng tuyển sinh ngành xây dựng, cơ hội và thách thức”.
Qua phương thức giao lưu trực tuyến, sẽ là cầu nối giữa độc giả và nhà trường tương tác, giải đáp những thắc mắc của các phụ huynh, học sinh và những thí sinh quan tâm đến công tác tuyển sinh ngành xây dựng, cũng như cơ hội việc làm trong ngành xây dựng sau khi ra trường.
 Ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng; PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng tặng hoa các đại biểu khách mời
Các khách mời giao lưu trực tuyến gồm có: bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Trưởng phòng đào tạo – Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng); ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng; PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng; ông Bùi Chí Hiếu, Bí thư Đoàn TN Bộ Xây dựng; TS.KTS Ngô Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; ông Trịnh Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị; ông Vi Văn A, Trưởng Văn phòng luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội); Th.s Vũ Hồng Dương, Phó Trưởng phòng đào tạo - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Sau đây là nội dung giao lưu:
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử vannguyentran789@gmail.com hỏi: Chương trình đào tạo, giáo khoa, giáo trình và cơ sở vật chất đào tạo của nhà trường hiện ở mức độ nào so với thế giới?
PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng: Chương trình đào tạo hiện nay có đủ 24 ngành và chuyên ngành cho mọi lĩnh vực đào tạo của ngành xây dựng từ kiến trúc quy hoạch, xây dựng dân dụng công nghiệp, cầu đường, kinh tế xây dựng, lật liệu, công trình biển, môi trường. Trong 24 chuyên ngành thì trường Đại học Xây dựng có 3 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế bởi tổ chức kiểm định CTI Cộng hòa Pháp. Bắt đầu từ năm 2016, nhà trường đã triển khai công tác xây dựng chương trình đào tạo mới theo hướng tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành).
 PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng
Trường đã có lịch sử đào tạo với bề dày 60 năm cùng đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm và đặc biệt có một lực lượng hùng hậu các giảng viên trẻ được đào tạo từ các nước phát triển.
Về giáo trình, luôn được cập nhật kịp thời, bắt kịp với tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như công nghệ xây dựng hiện đại. Hiện nay, nhà trường có thư viện được đánh giá rất hiện đại trong hệ thống các thư viện trong và ngoài nước.
Về cơ sở vật chất, hệ thống các phòng thí nghiệm, thực hành đầy đủ. Tuy nhiên, cũng còn một số thiết bị đang trong quá trình đầu tư mới, hoàn thiện đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ mới.
Vừa qua, trường Đại học Xây dựng là 1 trong 4 cơ sở đào tạo Đại học đầu tiên của Việt Nam đã được Tổ chức kiểm định quốc tế HCERES đến xem xét, kiểm định và đánh giá.
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử phanvantupccc@gmail.com hỏi: Báo Xây dựng có kế hoạch như thế nào trong việc hỗ trợ các thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay?
Ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng: Báo Xây dựng luôn sẵn sàng hỗ trợ thông tin
Trên các phương tiện hiện có của mình như báo in, báo điện tử, báo Xây dựng sẽ thông tin đầy đủ về các ngành nghề đào tạo của các trường để sinh viên có thể lựa chọn những ngành nghề mà mình yêu thích.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng
Thêm đó, Báo Xây dựng sẽ thông tin đầy đủ kết quả đào tạo trong mỗi năm của các trường; số sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm; các thành tích đạt được của các trường trong quá trình đào tạo; thông tin về những công trình nghiên cứu của sinh viên đạt giải trong nước và quốc tế có khả năng áp dụng vào thực tiễn…
Báo sẽ thông tin về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các đơn vị trong ngành Xây dựng, các địa phương và một số nước đang sử dụng lao động chuyên ngành xây dựng được đào tạo ở Việt Nam. Đồng thời, Báo sẽ thông tin về cách thức tuyển sinh của các trường để sinh viên có thể nắm bắt trước khi làm hồ sơ
Báo Xây dựng hiện đang liên kết với báo Tin tức và kỹ thuật Nhật Bản. Đất nước Nhật đang có nhu cầu rất lớn sử dụng các kỹ sư, công nhân bậc cao được đào tạo trong các trường của ngành Xây dựng. Tới đây, ngoài việc thông tin trên báo Xây dựng, chúng tôi sẽ thông tin trên báo Nhật về tiềm năng nguồn lao động Xây dựng của chúng ta.
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử vanhoang.laocai@yahoo.com.vn hỏi: Kỳ tuyển sinh năm nay, Đoàn thanh niên Bộ có kế hoạch như thế nào trong việc hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngành xây dựng?
Ông Bùi Chí Hiếu, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng: Bám sát chiến lược phát triển thanh niên ngành Xây dựng (giai đoạn 2011-2020) của Bộ Xây dựng và những chủ trương, chiến lược phát triển về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xây dựng, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng đã chủ động nghiên cứu những mô hình, đề án hướng nghiệp bằng những việc làm cụ thể như chương trình Khởi nghiệp, chương trình Nghiên cứu khoa học trẻ và những ứng dụng công nghệ khoa học trong xây dựng, chương trình phát triển và vận dụng các kỹ năng mềm trong công việc đối với thanh niên ngành Xây dựng,...
 Ông Bùi Chí Hiếu, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng
Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các trường đại học, các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Xây dựng để tổ chức nhiều chương trình Khởi nghiệp, định hướng việc làm và đặc biệt có những cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên có ý tưởng sáng tạo. Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng đang có kế hoạch nhằm phát triển sáng tạo trong khối sinh viên ngành Xây dựng bằng việc làm hỗ trợ cụ thể như: Xây dựng Quỹ Đầu tư mạo hiểm, Quỹ Sinh viên tài năng, Quỹ nghiên cứu sáng tạo trẻ dành cho khối sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề.
Sắp tới, Đoàn Thanh niên Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, cơ sở đoàn thanh niên tại các trường học trong ngành đẩy mạnh công tác truyền thông để các đối tượng học sinh đang có định hướng lựa chọn ngành Xây dựng có thêm thông tin chính thức, hữu ích, đi tới những quyết định đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với khả năng, trình độ và đam mê của mình.
Điểm cầu tại TP. HCM:
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử caovanxanhtphcm@yahoo.com.vn hỏi: Hiện nay có khá nhiều thanh niên theo nghề môi giới BĐS, nhưng chưa có ngành đào tạo chính thức về lĩnh vực này. Muốn trở thành nhân viên kinh doanh BĐS chuyên nghiệp thì em cần tham gia các khóa học nào, do đơn vị nào tổ chức?
PGS.TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2: Các trường thuộc Bộ Xây dựng có đào tạo lĩnh vực này, trong đó Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 có chương trình đào tạo cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh BĐS, chương trình đáp ứng 03 bậc trình độ tương đương như sau: Sơ cấp - nhân viên bán hàng BĐS; trung cấp - chuyên viên môi giới BĐS; cao đẳng – chuyên gia, nhà quản lý BĐS. Kiến thức và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp ngành này hoàn toàn đáp ứng cho nghề môi giới BĐS, bên cạnh đó, Trường còn có đơn vị phụ trách đào tạo cho Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện đang được Hội giao nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng, sát hạch trình độ môi giới BĐS.
Em Nguyễn Trung Kiên, học sinh Trường TPTH Lê Quý Đôn - TP.Hồ Chí Minh hỏi: Em được biết Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 là trường đầu tiên đào tạo trình độ cao đẳng xuất khẩu đi lao động ở Nhật Bản. Xin nhà trường cho biết yêu cầu đầu vào như thế nào? Đến nay trường đã đào tạo mấy khóa? Những sinh viên tốt nghiệp đã sang Nhật Bản làm việc chưa?
PGS.TS Lê Anh đức – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2: Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 có chương trình công nghệ xây dựng Nhật Bản là chương trình nằm trong dự án “đáp ứng tình trạng khẩn cấp về lao động nước ngoài tại Nhật Bản” do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng được xét visa kỹ sư đi làm việc tại Nhật Bản, theo đó:
Chương trình đào tạo là 12 tháng đối với sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng hoặc hoàn tất năm thứ 2 (chương trình đào tạo bậc cao đẳng) hoặc sinh viên tốt nghiệp trung cấp xây dựng. Trường đã tuyển sinh được 03 khoá từ năm 10/2015 (6 tháng tuyển sinh 1 lần) đến nay hầu hết sinh sinh viên tốt nghiệp khoá 1 đã được tuyển chọn đi Nhật Bản làm việc. Sinh viên khoá 2 đang hoàn tất chương trình và đang phỏng vấn (có 1 vài em đã được tuyển chọn).
Bạn đọc có hòm thư điện tử luongminhtritanbinh@yahoo.com.vn hỏi: Được biết, trường đang đào tạo thực hành các ngành quản lý tòa nhà, quản lý chung cư, em đọc báo thấy nguồn nhân lực cho ngành này rất thiếu vậy muốn theo học những ngành này tại trường có phải thi đầu vào không? Khi học thì có được đi thực hành tại doanh nghiệp không?
PGS.TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2: Ngành quản lý toà nhà (thời gian đào tạo 24 tháng) của trường Cao đẳng Xây dựng số 2 – TP.HCM được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực quản lý vận hành các toà nhà chung cư, cao ốc văn phòng, phức hợp thương mại dịch vụ... Nguồn nhân lực cần thiết cho ngành này rất lớn đặc biệt là ở tại TP.HCM. Hiện nay chương trình được xây dựng theo chuẩn 03 trình độ: Sơ cấp – nhân viên quản lý vận hành các vị trí hành chính, vệ sinh, kỹ thuật..; trung cấp - nhân viên kỹ thuật, giám sát viên; cao đẳng - cán bộ quản lý, đội trường, tổ trưởng...
Quy chế tuyển sinh hiện nay tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 là hình thức xét tuyển. Sinh viên ngành này sẽ học theo mô hình “Học tại trường – làm việc tại doanh nghiệp”, với 70% thực hành thực tế tại doanh nghiệp, tại các dự án BĐS, tuỳ theo vị trí công việc có thể được hỗ trợ lương, công tác phí.
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử nguyenminhnguyen1988@gmail.com hỏi: Ngành quản lý khu đô thị có giống ngành quản lý đô thị hay không? Học ngành quản lý khu đô thị ra có thể làm được những việc gì?
PGS.TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2: Không hoàn toàn giống như ngành quản lý đô thị, ngành quản lý khu đô thị (thời gian đào tạo 30 tháng) của Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 – TP.HCM được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực quản lý vận hành các khu đô thị mới, khu dân cư, khu resort... Đây là lực lượng lao động dịch vụ (khác với quản lý đô thị, thường là đội ngũ công chức-viên chức), đảm nhận các công việc quản lý cho chủ đầu tư, cho cư dân về các vị trí: Quản lý các hệ thống kỹ thuật, giám sát an ninh, tổ chức các dịch vụ vệ sinh, dịch vụ công cộng và hoạt động cộng đồng...
Cùng với ngành quản lý tòa, quản lý khu đô thị đang có nhu cầu lớn tại các đô thị lớn, nhằm đảm bảo hài hoà quyền lợi của chủ đầu tư, cư dân và cũng như làm gia tăng chất lượng dịch vụ, gia tăng chất lượng sống và giá trị của BĐS.
Bạn Nguyễn Thị Thương có địa chỉ thư điện tử thuongthinguyen22@gmail.com hỏi: Ngành nào trong nhóm ngành xây dựng phù hợp cho nữ? Là thí sinh nữ, nhưng em nghe nói học ngành xây dựng khá vất vả, ra trường khó có thể làm việc được ở công trường, không biết em có thể đăng ký dự tuyển những ngành nào thuộc nhóm ngành xây dựng?
PGS.TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2: Nhóm ngành xây dựng rất rộng và đa dạng, hiện nay nhu cầu nhân lực nhiều nhóm ngành đang rất lớn và cơ hội việc làm cũng khá nhiều. Có rất nhiều nhóm ngành mới hoàn toàn phù hợp với bạn nữ, ví dụ như nhóm ngành BĐS: Quản trị kinh doanh BĐS, quản lý khu đô thị, quản lý toà nhà... ngoài ra các nhóm ngành công nghệ về vật liệu, cấp nước... cũng có thể phù hợp với bạn nữ. Bên cạnh đó kiến trúc, quy hoạch đô thị hay kinh tế xây dựng cũng là những ngành truyền thống được nhiều bạn nữ lựa chọn.
 Ông Trịnh Văn Dũng, Hiệu phó Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị
Về phía trường Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, bạn đọc có địa chỉ hòm thư điện tử phuongtrannguyen.hbt@gmail.com gửi câu hỏi: Những khó khăn trong công tác tuyển sinh đối với các trường ngành xây dựng hiện nay như thế nào?
Ông Trịnh Văn Dũng, Hiệu phó Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị: Có một nghịch lý đang hiện hữu hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực ngành xây dựng ngày càng tăng, nhưng số lượng học sinh lựa chọn vào học ngành nghề thuộc lĩnh vưc xây dựng ngày càng giảm. Nguyên ngân có rất nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Tâm lý của người lao động cũng như quan niệm xã hội còn ngại làm việc trong ngành xây dựng (quan niệm ngành xây dựng là một lĩnh vực lao động nặng nhọc, nguy hiểm); ít cơ hội mang lại thu nhập cao, rủi do lớn.
- Một số chương trình đào tạo của các trường còn chậm đổi mới với sự phát triển của khoa học công nghệ; các điều kiện cở sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cho việc dạy và học còn thiếu thốn.
- Nhu cầu tuyển dụng với một số lượng rất lớn lao động tốt nghiệp THPT của các doanh nghiệp nước ngoài trong những năm gần đây là rất lớn (số lượng tuyển dụng lên đến hàng trăm ngàn lao động/năm). Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã tuyển mới một số lượng lớn lao động không qua đào tạo tại các vùng nông thôn, vùng núi với mức lương thấp, không chịu trách nhiệm lâu dài, không phải đóng bảo hiểm và giảm các chi phí khác. Điều này giảm cơ hội việc làm của sinh viên được đào tạo hệ chính quy bài bản khi tốt nghiệp ra trường.
- Thực tế, công tác truyền thông về ngành xây dựng còn có những hạn chế. Việc tuyên truyền cho các bạn thí sinh trong việc lựa chọn học ngành xây dựng là nhiệm vụ cần được quan tâm bởi vì khi vào học các ngành nghề thuộc lĩnh vực xây dựng các bạn vẫn có rất nhiều cơ hội việc làm, thu nhập và cơ hội thăng tiến.
Bạn đọc có địa chỉ hòm thư điện tử nguyenxuanvinh228@....hỏi: Theo đánh giá của ông/bà về việc sinh viên ngành Xây dựng hiện có nhiều cơ hội không trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận học bổng du học nước ngoài không?
TS.KTS Ngô Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Trong bối cảnh toàn cầu hóa việc mở rộng hợp tác quốc tế và liên kết trong đào tạo là việc làm hết sức cần thiết đối với các cơ sở đào tạo nói chung và trường Đh Kiến Trúc nói riêng. Hiện nay, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội có Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế đang hoạt động hết sức tích cực và hiệu quả. Trường đang có quan hệ hợp tác với 120 tổ chức và quốc gia trên thế giới ở các lĩnh vực đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Vì vậy, sinh viên trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội có rất nhiều cơ hội giao lưu học tập với các nước tiên tiến và khu vực. Cụ thể như sau: Nhà trường thực hiện liên kết dưới hình thức sử dụng chương trình đạo tạo, tài liệu giảng dạy của các trường đại học tiên tiến trên thế giới Phối hợp với các chuyên gia của trường bạn để liên tục đổi mới phương thức giảng dạy và học tập.
 TS.KTS Ngô Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Trong các năm học sinh viên được tham gia các kỳ học trao đổi, các workshop, tham gia trưng bày đồ án và kết quả nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra nhà trường cũng tiếp nhận nhiều sinh viên ỏ các nước tới học tập tại trường nhằm tạo cơ hội cho các sinh viên có điều kiện giao lưu, tiếp cận với bạn bè quốc tế.
Nhà trường đã ký kết biên bản hợp tác về đào tạo các hệ Đại học và sau đại học tạo điều kiện cho các sinh viên được học chuyển tiếp tại các nước Nga, Pháp, Mỹ Anh, Hungari…các sinh viên này sẽ được ưu tiên, tạo điều kiện qua các bậc học cao hơn như thạc sỹ, tiến sỹ…
Bạn đọc có địa chỉ hòm thư điện tử xuanlongnamdinh12@yahoo.com.vn hỏi như sau: Luật sư có thể cho biết một số quy định về công tác tuyển sinh năm nay như thế nào không?
Ông Vi Văn A, Trưởng Văn phòng luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội): Về thời gian ban hành văn bản sớm hơn so với những năm gần đây 25/1/2017. Còn năm 2015, 2016 đều ngày 26/2, hiệu lực 2017 cũng sớm hơn. 10/3/2017 còn 2015 có hiệu lực 13/4/2015, năm 2016 là 29/4. Năm nay sớm hơn so với các năm trước khoảng 1 tháng.
Bố cục văn bản gồm 6 chương và 25 điều, quy định năm 2015 có 4 chương và 24 điều nhưng 3/2016 lại bổ sung 12 khoản, điều. Nội dung có nhiều điểm mới nhưng xin nêu 1 số điểm: Đầu vào đối với thí sinh tại Điều 13. Tổ chức xét tuyển theo quy chế, thí sinh được đăng kí xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.
Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, nếu đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các trường quy định điều 3 các đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ, công khai các các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo cùng một số thông tin quan trọng khác trên trang web của cơ sở đào tạo để người nhà và thí sinh được biết.
Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế, Bộ sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan, đồng thời trường và cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.
Việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ thực hiện theo lộ trình. Từ năm 2018 trở đi, ngoài các thông tin nêu trên, các trường phải công bố thêm: tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành). Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.
Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GDĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
1. Vấn đề khen thường kỷ luật – xử lý vi phạm có điểm mới là điều 24 của quy chế quy định rõ thêm về khiếu nại tố cáo trong công tác xét tuyển. Đảm bảo vấn đề khách quan trong công tác tuyển sinh mà bộ Giáo dục và đào tạo quan tâm.
2. Các vấn đề khác tham khảo thêm thông tư.
 Ông Vi Văn A, Trưởng Văn phòng luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Bạn đọc có địa chỉ hòm thư điện tử hoangcaovan.cmc@gmail.com gửi câu hỏi: Bên cạnh kiến thức phục vụ chuyên ngành, các tân sinh viên cần trang bị những kỹ năng gì để đáp ứng được công việc ngành Xây dựng hiện tại và tương lai?
Ông Trịnh Văn Dũng, Hiệu phó Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị: Để đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện tại và tương lai, các tân sinh viên cần chuẩn bị một số kỹ năng cần thiết sau:
Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu: Đây là kỹ năng rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực giúp cho người học có nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội thăng tiến;
Năng lực ngoại ngữ: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc các bạn học sinh sinh viên có khả năng ngoại ngữ sẽ giúp cho các bạn có thể nắm bắt được các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới; đồng thời nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm cao với thu nhập cao hơn và cơ hội thăng tiến.
Kỹ năng rèn luyện thể chất: Thực tế công việc ngành xây dựng đòi hỏi thể lực của người lao động phải có thể chất tốt. Vì vậy, khi có sức khỏe thì các bạn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từ đó tạo năng suất lao động cao.
Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Đây là kỹ năng không thể thiếu đối với người lao động trong bất kỳ một công việc nào. Trong quá trình làm việc, chúng ta cần có sự phối hợp với các đồng nghiệp để hoàn thành mục tiêu công việc, bởi hầu hết công việc đều cần có sự hỗ trợ, tương tác từ các thành viên trong nhóm.
Kỹ năng hội nhập: Ngoài các kỹ năng trên, các bạn học sinh sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường cần tích cực tham dự các kỳ thi (ví dụ như tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, các kỳ thi tay nghề…) để có nhiều cơ hội cọ sát với chương trình đào tạo, cơ sở vật chất của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
PGS.TS Phạm Xuân Anh, Hiệu phó Trường Đại học Xây dựng: Xuất phát từ đặc điểm của sản phẩm xây dựng là các công trình hoàn chỉnh là kết tinh lao động của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đặc điểm của nghề xây dựng là một nghề đòi hỏi không chỉ nền kiến thức chuyên môn người lao động cần có đam mê, nhiệt huyết cũng như sự sáng tạo thì mới có được một sản phẩm tốt. Do vậy, sinh viên ngành xây dựng cần trang bị một số kỹ năng như: Hoàn thiện kiến thức tổng hợp về xã hội, văn hóa, lịch sử, môi trường cũng như những kiến thức tổng hợp phục vụ cho nghề nghiệp. Kỹ năng mềm ví dụ như kỹ năng thuyết trình, báo cáo, làm việc theo nhóm. Đồng thời sinh viên cần hoàn thiện khả năng sử dụng ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh trong giao tiếp và làm việc.
Bạn đọc có địa chỉ hòm thư điện tử luongdungminhceo74@yahoo.com gửi câu hỏi như sau: Báo có thể đăng tải những bài viết về các công trình nghiên cứu, những đề tài khoa học của sinh viên đã được bảo vệ tốt nghiệp không?
Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng: Những đề tài nghiên cứu là đề tài báo chí có giá trị lớn.
Theo tôi, mỗi một đề tài khoa học là một sự phát hiện để xử lý thực tiễn. Nếu như nó trở thành các tác phẩm báo chí thì rất có giá trị đối với bạn đọc trong việc tiếp nhận tư tưởng khoa học, áp dụng khoa học vào thực tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 Ông Trịnh Văn Dũng, Hiệu phó Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị
Ví dụ: một sinh viên của trường Đại học Xây dựng đã nghiên cứu về dòng chảy của sông Hồng để đề xuất xây dựng trên bãi giữa sông Hồng một đô thị Thăng Long thu nhỏ. Một sinh viên của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã nghiên cứu các loại cửa khẩu quốc tế để đề xuất các cửa khẩu quốc tế ở Việt Nam.
Một sinh viên của trường Cao đẳng môi trường đô thị đã nghiên cứu dòng chảy của sông suối để có thể đưa cột nước suối lên cao trên 60m phục vụ sinh hoạt mà không cần không cần phương pháp trợ lực nào….
Hoặc những đề tài của sinh viên liên quan đến vật liệu xây dựng, như sứ vệ sinh đã được nhiều công ty xây dựng quan tâm. Theo tôi là những đề tài báo chí vô cùng có giá trị. Báo Xây dựng rất hoan nghênh và sẽ chọn lọc đăng tải những đề tài nghiên cứu, đề tài khoa học của các bạn sinh viên trên Báo để truyền tải đến độc giả.
Bạn Lê Tuấn Anh hỏi: Sinh viên luôn được khuyến khích nghiên cứu khoa học nhưng những đề tài của sinh viên sau khi được nghiệm thu có được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn không? Các trường học, cơ quan quản lý nhà nước đánh giá như thế nào về các chuyên đề nghiên cứu khoa học của sinh viên?
TS.KTS Ngô Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Nghiên cứu khoa học là một công việc hêt sức quan trọng của sinh viên trong quá trình học tập. Những năm gần đây phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học trong nhà trường phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các vấn đề nghiên cứu của sinh viên đã tiếp cận hơn với thực tế, giải quyết các vấn đề cụ thể, có địa chỉ và phạm vi áp dụng, tính thực tiễn cao. Nhiều đề tài của sinh viên đã được gửi dự thi và đạt giải cao ở các cấp quốc gia và quốc tế. Những nghiên cứu này giúp sinh viên bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học. Biết đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, ở các lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Điều đó giúp ích rất nhiều cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu.
 
Vì vậy nhà trường luôn đánh giá cao, tạo điều kiện tối đa trong phạm vi có thể để các sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học. Mong rằng trong thời gian tới đây các bạn sinh viên sẽ tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học và gặt hái được nhiều kiến thức hơn nữa.
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử lucvantruong.datviet@yahoo.com.vn hỏi: Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh có cần thiết đối với người lao động ngành xây dựng không ạ?
TS.KTS Ngô Kim Dung, Hiệu phó Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội: Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiên nay, để có thể tìm được một việc làm tốt và thành công trong công việc, thì ngoài việc tích lũy tốt các kiến thức chuyên môn, các bạn sinh viên cần phải có thêm rất nhiều các kỹ năng khác, trong đó có khả năng đọc, hiểu, nghiên cứu tài liệu và giao tiếp bằng các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới đặc biệt là tiếng Anh. Có thể nói việc sử dụng thông thạo tiếng Anh là điều kiện hết sức cần thiết trong quá trình làm việc và giao tiếp. Mặt khác trong quá trình học tập và làm việc nếu thành thạo tiếng Anh các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận và khai thác tài liệu, khoa học công nghệ phục vụ trong quá trình làm việc của mình. Điều quan trọng hơn là, khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, có khả năng nhận mức lương cao hơn.
Vì vậy trong quá trình học tập các bạn sinh viên nên sắp xếp kế hoạch và thời gian phù hợp để học tập và tích lũy kỹ năng này. Chúc các bạn thành công.
Bà Phạm Vũ Thương Nhung – Giám đốc dự án Công ty Kiến trúc Tona: Hiện tại, với rất nhiều chính sách mở cửa, hỗ trợ, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam rất nhiều, họ trở thành những đối tác của các doanh nghiệp Việt Nam cùng hoạt động trong lĩnh vực này. Hơn nữa, trong thời kỳ internet, việc làm việc trực tuyến vượt khoảng cách trở nên rất đơn giản nên để nâng cao năng lực của mình và có chỗ đứng tốt trên thị trường doanh nghiệp chúng tôi chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các nhóm chuyên gia trên thế giới để cùng thực hiện dự án, một phần để học hỏi, một phần nâng cao chất lượng dự án đáp ứng yêu cầu hiện tại.
Vì vậy, việc sử dụng ngoại ngữ trở nên phổ biến và gần như bắt buộc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong công ty cũng có sự phân công công việc cụ thể, các bạn trình độ ngoại ngữ chưa tốt vẫn có vị trí làm việc, và môi trường làm việc như vậy cũng giúp được nhiều bạn có cơ hội sử dụng và nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Vì vậy, dưới góc nhìn một người làm nghề, tôi thành thật khuyên các bạn trẻ, những công dân quốc tế của thời đại mới nên giỏi ngoại ngữ, điều đó đầu tiên đã giúp các bạn tự mở ra cho mình một thế giới mới bằng việc tiếp cận các nền văn hóa mới, kiến thức mới qua việc đọc sách, thêm cho mình những cơ hội được gặp gỡ, làm việc với những người cùng lĩnh vực ở nhiều quốc gia khác đem đến cho các bạn rất nhiều điều mới mẻ và bổ ích. Dịch chuyển cũng là một cách học rất hiệu quả trong ngành này và ngoại ngữ thật sự là hành trang tốt cho những chuyến du lịch thú vị đó.
Bạn đọc có địa chỉ hòm thư điện tử huyennguyennd@yahoo.com.vn gửi câu hỏi như sau: Vấn đề tuổi tác ảnh hưởng đến công việc, khả năng chuyên môn như thế nào? Nhiều bạn trẻ mới đi làm thường lo lắng không đảm nhiệm được công việc hoặc làm rất tốt nhưng không được cấp trên đánh giá cao nên không sắp xếp những vị trí phù hợp khả năng trong các cơ quan Nhà nước? Lời khuyên nào dành cho những trường hợp này?
Ông Bùi Chí Hiếu, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Xây dựng: Đã có nhiều bạn trẻ băn khoăn về vấn đề tuổi tác ảnh hưởng đến công việc. Tuy nhiên, qua thực tế công tác, tôi nhận thấy mỗi lứa tuổi có những ưu thế nhất định: người làm lâu năm có nhiều kinh nghiệm thực tế, các bạn trẻ mới tốt nghiệp thì có những lợi thế về sức khỏe, thời gian và đặc biệt là nhiệt huyết rất lớn với công việc. Tuổi trẻ không ngại đổi mới, liên tục mong muốn cải tiến, áp dụng những kiến thức, kỹ năng mới nhất để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc.
Đối với thế hệ trẻ ngành Xây dựng, đặc biệt là các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp, các bạn có một lợi thế lớn về khả năng tiếp cận, tiếp thu công nghệ khoa học tiên tiến trong và ngoài nước. Sự nhanh nhạy trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn là một thế mạnh lớn của các bạn trẻ. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt công việc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các bạn trẻ cần có các kỹ năng chuyên môn tốt, khả năng ngoại ngữ tốt và không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Với những lợi thế về khả năng ứng dụng công nghệ, sử dụng ngoại ngữ, các bạn trẻ cần liên tục cập nhật các thông tin liên quan đến chuyên ngành xây dựng như các thành tựu khoa học kỹ thuật, các sáng chế, phát minh mới về vật liệu, công nghệ xây dựng để có thể ứng dụng tốt nhất trong thực tế công việc.
Để có thể đáp ứng được yêu cầu cao trong công việc, trước tiên mỗi sinh viên cần định hướng đúng đắn, chuẩn bị cho mình một hành trang về kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là có sự đam mê với công việc mình lựa chọn.
Tôi có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ mới đi làm cũng như các bạn sinh viên sắp ra trường là hãy học tập, làm việc, cống hiến bằng tất cả đam mê, khi đó, bạn sẽ đạt được thành công.
Theo quan điểm cá nhân tôi, thành công không nhất thiết phải được làm việc trong cơ quan Nhà nước. Các bạn trẻ hoàn toàn có khả năng thể hiện năng lực, trình độ, trí tuệ ở các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác phù hợp với mình. Các bạn nên tận dụng các cơ hội dù là nhỏ nhất để hiện thực hóa những đam mê của mình. Đừng ngại đối diện với vấp ngã, thất bại ở những bước đầu tiên. Mỗi lần vấp ngã, các bạn hãy đúc kết kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng và cả kinh nghiệm sống để phát huy ở những nấc thang mới.
Bạn đọc có hòm thư điện tử trananhquan226@gmail.com hỏi: Em đang là sinh viên của Trường Đại học Xây dựng, em rất yêu thích nghề báo, vậy sau khi ra trường em có thể trở thành phóng viên của Báo Xây dựng được không ?
Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng: Mọi người đều có thể làm báo.
Theo tôi, báo chí là diễn đàn thông tin chung của nhân loại, nên tất cả các công dân đều có thể làm báo được. Điều quan trọng, là nhận thức của bạn có thể đưa ra những nhận xét dự báo cho xã hội, đặc biệt trên lĩnh vực chuyên ngành xây dựng. Báo Xây dựng là một tờ báo chuyên ngành, rất cần những người am hiểu về ngành Xây dựng trên các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây lắp, BĐS, tư vấn…. Nếu là sinh viên Trường Đại học Xây dựng, mà bạn có ước mơ trở thành một nhà báo thì điều đó là điều mong muốn của Báo Xây dựng chúng tôi.
Nếu muốn trở thành một nhà báo, theo tôi, bạn cần có mấy tố chất sau:
Thứ nhất: Có khả năng phát hiện những vấn đề xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực xây dựng. Ví dụ: Những cơ chế chính sách của chúng ta đã phù hợp với việc quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng hay chưa; Vì sao những đồ án của sinh viên các trường xây dựng lại ít được áp dụng vào thực tiễn? Vì sao sinh viên ra trường lại ngại về các vùng, tỉnh thành xa xôi? Bao giờ đất nước ta có được những đô thị đáng sống ngang tầm các nước trên thế giới… Tìm hiểu và lý giải được một số vấn đề này và thể hiện được trên các phương tiện ngôn ngữ thì bạn đã có thể trở thành một nhà báo, đặc biệt là báo ngành Xây dựng.
Thứ hai: Phải có khả năng về ngôn ngữ để truyền tải thông điệp của mình đến với công chúng qua các loại hình báo chí.
Thứ ba: Phải có tư tưởng chính trị rõ ràng để nhìn nhận đánh giá một vấn đề trước khi đưa ra công chúng. Theo tôi là tư tưởng cống hiến vì cộng đồng, vì cuộc sống chung của tất cả mọi người. Việc phê phán phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Việc ca ngợi, khen chê cũng phải dựa trên nền tảng của tư duy khoa học chung.
Bạn Phùng Mạnh Trường, K60-Đại học Xây dựng hỏi: Hiện tại là sinh viên của trường ĐHXD, chúng em muốn biết khi ra trường đi làm, chúng em sẽ phải tiếp xúc với các dự án. Vậy nhà trường có các khóa học về quy trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng ngay từ khi chúng em đang theo học không?
PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng: Sau khi ra trường đối tượng mà sinh viên sẽ tiếp xúc nói chung là các dự án. Để có thể nắm bắt được các công việc nhanh nhất, ngay từ kỳ cuối trước 5 tuần thực tập tốt nghiệp, sinh viên cần có những ý tưởng đầu tiên để tiếp xúc với các dự án. Nếu thuận lợi nhất có thể ghép nối những nguồn tài liệu vận dụng vào việc làm các đề tài tốt nghiệp.
Sau khi ra trường, sinh viên có thể tham gia những khóa ngắn hạn của nhà trường, các khóa ngắn hạn đào tạo kỹ sư chuyên nghiệp để rút ngắn nhanh nhất độ vênh giữa đào tạo và đòi hỏi thực tế của các vị trí được đảm nhiệm. Trong các khóa học ngắn hạn sẽ có kỹ sư, giảng viên từ các doanh nghiệp tham gia đào tạo cho sinh viên.
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử caominhtuan.hvgd@gmail.com hỏi: Nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc sử dụng nhân lực sinh viên xây dựng hiện nay như thế nào?
Bà Phạm Vũ Thương Nhung – Giám đốc dự án Công ty Kiến trúc Tona: Từ năm 2008 thị trường BĐS Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng (kể cả các tập đoàn lớn) đứng trước nguy cơ phá sản. Gần đây, với hiệu quả của các chính sách kích cầu của chính phủ, thị trường BĐS Việt Nam đang ấm lên, dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đang dần khởi sắc, theo đó nhu cầu sử dụng nhân lực sinh viên xây dựng cũng có xu hướng tăng lên theo yêu cầu công việc của các doanh nghiệp.
Bạn đọc có địa chỉ thư điện tử thanhxuan99nd@yahoo.com hỏi: Các doanh nghiệp có chủ động ký kết, hợp tác với cơ sở đào tạo để đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao hay chỉ thụ động chờ để tuyển sau khi sinh viên tốt nghiệp?
Bà Phạm Vũ Thương Nhung – Giám đốc dự án Công ty Kiến trúc Tona: Trong quá trình học đại học chuyên nghành kiến trúc, xây dựng 05 năm tại các trường đại học, các bạn sinh viên có 02 lần thực tập tại các doanh nghiệp, doanh nghiệp chúng tôi đã từ rất lâu là một địa điểm trong danh sách của các trường này gửi sinh viên đến thực tập, và đây cũng chính là cơ hội để chúng tôi chủ động đề xuất được làm việc tiếp tục với các bạn sinh viên giỏi sau thực tập dưới hình thức học việc có hỗ trợ kinh phí và có đào tạo cho đến khi các bạn ra tốt nghiệp và có bằng đại học và được tuyển dụng chính thức.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chủ động thông báo tuyển dụng trong các trường đại học, tham gia một vài quỹ học bổng, tham gia các đợt bảo vệ tốt nghiệp của các trường để tìm kiếm những người phù hợp với doanh nghiệp. Trên thực tế, sau quá trình nỗ lực trên, số nhân sự chúng tôi tìm kiếm được và giữ lại hoạt động cũng doanh nghiệp không nhiều (một số bạn vì quá trình học tập không theo được chương trình đào tạo, học việc của doanh nghiệp, một số bạn sau khi ra trường với nền tảng đó muốn thử sức ở một môi trường mới), tuy nhiên nhìn nhận lại nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp hiện tại lại chính là những người đã gắn bó với doanh nghiệp từ thời kỳ sinh viên như vậy. Vì vậy, trong chiến lược nhân sự của doanh nghiệp, chúng tôi vẫn tiếp tục cách tuyển dụng trên.