Hôm rồi, người viết có đặt câu hỏi cho một vị lãnh đạo Hiệp hội truyền hình Việt Nam rằng, đến bao giờ các nhà đài mới tìm được tiếng nói chung trong vấn đề bản quyền truyền hình. Ông này trả lời rằng, chắc chắn thời gian ngắn tới đây chúng tôi sẽ tạo ra được một liên minh đủ mạnh hòng đối chọi với các công ty nước ngoài đang nắm giữ bản quyền. Đó không chỉ là mong muốn của các cơ quản quản lý mà còn là nhu cầu ngày càng bức thiết từ chính nhà đài. Một lãnh đạo của K+, đơn vị đã đổ không biết bao nhiêu tiền nhằm giành bản quyền các giải đấu hàng đầu cho biết, “kinh doanh của chúng tôi tốt lên rất nhiều nhưng vì chi phí bản quyền cao nên đến giờ chưa có lãi. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi thực sự rối vì không biết sẽ làm gì trong tương lai nếu không chặn được đà tăng giá của bản quyền”. Cũng vì cái sự đắt đỏ của bản quyền mà nhiều nhà đài đã phải cắt bỏ một số chương trình để có chi phí trả cho đối tác nước ngoài. Họ cũng tìm mọi cách để tăng giá thuê bao từ khách hàng nhưng không thể cải thiện tình hình. Có lẽ vì sự mệt mỏi từ việc giá bản quyền leo thang với tốc độ chóng mặt mà nhiều nhà đài đâm ra phản ứng tiêu cực. Họ tìm kiếm những gói bản quyền khác dù không mấy hấp dẫn nhưng giá chấp nhận được. Nhưng, đằng sau sự phản ứng có phần tiêu cực ấy là một mong muốn cháy bỏng rằng, người làm truyền hình Việt Nam hãy dừng những cuộc đua vô nghĩa nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Đúng là nhiều nhà đài đã thuộc lòng bài học mang tên bản quyền để tự đưa mình thoát khỏi cuộc đua vô nghĩa. Nhưng, người ta cũng nói rằng, mọi rắc rối và phiền toái chỉ chấm dứt nếu người trong cuộc thực sự vô tư trong những quyết định tiền tấn. Bởi, sự thắng thế của cái chung chỉ diễn ra nếu những toan tính cá nhân bị dẹp bỏ sang một bên.