Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thương con như thế bằng mười hại con”

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít khảo sát đã chỉ ra rằng, một tỷ lệ không nhỏ trẻ hiện có biểu hiện thụ động và thiếu nhạy bén trong phân tích và giải quyết vấn đề.

Rất nhiều phụ huynh lo lắng, than phiền về tính ích kỷ, dựa dẫm của con mà không biết rằng tính cách này hình thành từ chính sự cưng chiều thái quá và luôn cố tạo cho con một môi trường sống "vô trùng".
 Ảnh minh họa
Một thực tế đang diễn ra và đang trở thành thực trạng đáng báo động khi ngày càng nhiều bố mẹ chăm sóc con chu đáo quá mức cần thiết. Không chỉ ở nhà, mà tại trường học, trong hoạt động tập thể, nhiều người cũng can thiệp quá sâu vào hoạt động của con như lấy sẵn ghế cho con dự lễ chào cờ, chọn chỗ tốt cho con… Có nhiều người còn nhất định không cho con nhúng tay vào việc gì, từ kéo cặp, cầm mũ hay cởi áo khoác và cứ lẽo đẽo theo con đến khi nào yên tâm mới thôi. Không ít người bao bọc con đến mức trẻ không có cơ hội tự suy nghĩ và nhiều khi vô tình trở thành người phục vụ của con dù những đứa bé ấy đã ở cái tuổi đáng ra có thể tự lo cho mình những công việc tối thiểu. Nhiều người, vì muốn bao bọc cho con, nên rất khắt khe với những đứa trẻ chơi cùng con mình, không cho con thoải mái chơi với các bạn cùng trang lứa vì sợ bẩn, sợ va chạm, sợ hỏng đồ chơi và sợ... đủ thứ tai nạn có thể xảy ra. Cách cư xử ấy đã vô tình khiến cho đứa con của họ ngày càng tiếp thu và định hình tư tưởng, lối sống ích kỷ cá nhân. Để rồi khi đứa con lớn lên, chính họ lại phàn nàn là chúng ích kỷ quá, ngay cả với bố mẹ, người thân, nhưng họ lại quên mất rằng, những thói quen ấy trẻ học được từ bố mẹ. Nói về cách dạy con kiểu này xưa các cụ cho là “thương con như thế bằng mười hại con”.
Thực tế đã cho thấy, chính gia đình và quan niệm sống của bố mẹ chính là phương thức giúp con phát triển những kỹ năng sống, bởi để tạo thành kĩ năng, phản xạ tốt trong cuộc sống cần phải được rèn luyện thường xuyên, liên tục đến mức thuần thục. Nếu được chiều chuộng quá mức, trẻ trở nên thụ động, dựa dẫm, ít độc lập, khó hòa đồng, thiếu tính kiềm chế và nếu sự chăm sóc thái quá, tính dựa dẫm và coi mình là trung tâm vũ trụ của trẻ sẽ xuất hiện, hình thành những thói quen, tính cách xấu cho trẻ sau này. Trong khi đó, xã hội càng phát triển thì phải tạo điều kiện cho trẻ em độc lập hơn, thay vì làm trẻ phụ thuộc, ỷ lại quá nhiều vào gia đình và có thể phát triển toàn diện trong tương lai.
Do đó, thay vì đổ rất nhiều tiền để con tham gia các lớp kỹ năng sống, nên tạo điều kiện cho con được thực hành các bài học độc lập ngay từ nhỏ. Từ cuộc sống cũng cho thấy, trẻ ở những gia đình có thu nhập trung bình, có kỹ năng sống rất tốt, trẻ biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, biết tự giác tổ chức cuộc sống bản thân, biết cách tự bảo vệ trước sự nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn. Bởi những trẻ này được phát triển trong môi trường tự nhiên không có sự can thiệp sâu quá của bố mẹ, được tự mình làm các công việc phục vụ bản thân và có cơ hội được tiếp xúc với thế giới xung quanh để phát triển về nhiều mặt và học cách thích nghi với mọi hoàn cảnh khác nhau.