KTĐT - Các quan chức EU nhấn mạnh rằng Bắc Kinh nên nới lỏng tỷ giá cứng nhắc của đồng nhân dân tệ (NDT) với đồng đôla để giúp tái cân bằng lại hệ thống tài chính thế giới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu dường như không đạt được nhiều tiến triển về vấn đề tiền tệ, khí hậu và tiếp cận thị trường trong cuộc đàm phán cấp cao kết thúc ngày thứ 2 (30/11).
Hội nghị cấp cao Trung Quốc-EU kéo dài hai ngày được đánh giá là cơ hội để hai đối tác thương mại lớn này phối hợp chính sách thoát khỏi suy thoái toàn cầu, cũng như tạo bước đệm cho hội nghị Copenhaghen về khí hậu. Thế nhưng, thay vào đó, hai bên lại chỉ bình luận về các vấn đề này cùng với một số vấn đề khác như chiến lược phát triển hay nhân quyền.
Các quan chức EU nhấn mạnh rằng Bắc Kinh nên nới lỏng tỷ giá cứng nhắc của đồng nhân dân tệ (NDT) với đồng đôla để giúp tái cân bằng lại hệ thống tài chính thế giới.
Hôm thứ 2, phát biểu trước báo giới sau hai ngày họp chính thức, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đáp lại lời kêu gọi đó với sự quả quyết rằng khối 27 thành viên vẫn duy trì các chính sách thương mại mà Trung Quốc phản đối. Ông nói: "Điều này là không công bằng. Các biện pháp của họ đang hạn chế sự phát triển của Trung Quốc".
Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt, hiện là chủ tịch Ủy ban châu Âu, dù ghi nhận cam kết giảm sự gia tăng khí thải cácbon từ nay đến năm 2020 của Bắc Kinh tuần trước, nhưng vẫn cho rằng là không đủ để đi đến thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế sự ấm lên của trái đất. Ông nói: "Chúng ta không thể giải quyết những thách thức về khí hậu cho nhân loại mà không có sự tham gia của Trung Quốc".
Trong bài diễn văn sau đó tại cuộc họp doanh nghiệp Trung Quốc - EU bên cạnh hội nghị cấp cao, ông Ôn Gia Bản chỉ rõ những gì ông gọi là "cái giá đắt cho các nguồn tài nguyên của cả thế giới sau 200 năm phát triển của các nước công nghiệp". Ông liệt kê một danh sách các biện pháp Trung Quốc không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong suốt "giai đoạn khó khăn của riêng mình", mà còn quan tâm tới cả kiểm soát khí thải. Đầu tư của Trung Quốc cho thủy năng và điện nguyên tử, cũng như đóng cửa các mỏ than không đủ tiêu chuẩn, ông nói, đã cho thấy "trách nhiệm của Trung Quốc đối với chính mình cũng như toàn nhân loại".
EU và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn của nhau. Mỗi bên cũng đồng tình với một thế giới đa cực, điều sẽ giúp đối phó tốt hơn với các thách thức trong các tổ chức lớn hơn như G-20.
Và như thế, hành động cụ thể ở Nam Kinh lại giới hạn trong các thỏa thuận về kỹ thuật, bao gồm các lĩnh vực như xây dựng và nghiên cứu năng lượng sạch. Thông cáo chung sau cuộc họp kín chỉ đi vào những chi tiết nhỏ và không cho thấy nhiều dấu hiệu về một cuộc bước tiến lớn trong mối quan hệ này.
Sự duy trì giá hiện tại của đồng NDT với đôla có nghĩa là đồng tiền này đã mất giá đáng kể so với đồng euro trong những tháng gần đây, mặc dù nhiều nhà kinh tế nói rằng sẽ có áp lực tăng giá với đồng NDT. Sức mạnh của đồng euro so với đồng NDT vẫn là vấn đề nhức nhối đối với các chính trị gia châu Âu, những người lo ngại rằng tỷ giá hiện tại sẽ hạn chế sức mua của nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm thất nghiệp ở EU đang lên cao. Đồng NDT tăng hơn 20% so với đồng đôla trong 3 năm sau khi Trung Quốc chính thức thay đổi tỷ giá hai đồng tiền vào giữa năm 2005, nhưng lại gần như không hề giải quyết các vấn đề tỷ giá với đồng euro, và việc gắn chặt đồng NDT vào đôla được thiết lập lại một cách hiệu quả vào giữa năm 2008.
Ông Ôn Gia Bảo nhắc lại rằng, Trung Quốc "không tìm kiếm thặng dư thương mại quá mức hợp lý". Thay vào đó, ông nhấn mạnh vào các rào cản của châu Âu, như hạn chế xuất khẩu công nghệ cao nhất của châu Âu, và kêu gọi bên đối tác "mở ra một cách đầy đủ các lợi thế công nghiệp của EU".
Tuyên bố sau hội nghị không đề cập cụ thể đến sự năng động tiền tệ. Thay vào đó, tuyên bố nói rằng, "để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, hai bên nhất trí tăng cường nỗ lực phát triển thương mại, đầu tư và tăng khả năng tiếp cận thị trường".