Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương hiệu mạnh của ngành du lịch Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm hoạt động, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đã từng bước khẳng...

Kinhtedothi - Sau 10 năm hoạt động, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đã từng bước khẳng định vị thế và thương hiệu trong lòng du khách trong và ngoài nước, đó là khẳng định của lãnh đạo Hanoitourist tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì diễn ra ngày 14/11.

Vượt qua thử thách

Hanoitourist là một trong những DN Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, tại thời điểm thành lập, Hanoitourist có vốn điều lệ gần 600 tỷ đồng, với 6 công ty thành viên và 11 công ty liên doanh trực thuộc. Ngày mới thành lập, hầu hết cơ sở vật chất của các đơn vị của Hanoitourist đều lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, do hầu hết các DN trực thuộc Tổng Công ty đều có quy mô nhỏ. Thậm chí một số DN trước khi sáp nhập đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài, 3 DN triển khai cổ phần hóa nên hoạt động đầu tư cơ sở vật chất chưa được chú trọng đúng mức.

 
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hanoitourist. Ảnh: Hoài Nam
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hanoitourist. Ảnh: Hoài Nam
Để có thể vượt qua những khó khăn chồng chất, Ban Lãnh đạo Hanoitourist xác định, chiến lược phát triển kinh doanh trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, hợp tác liên doanh với đối tác nước ngoài, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ xác định đúng đắn đó, sau 10 năm hoạt động, đến nay, Tổng Công ty đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất lớn mạnh. Đến nay, Tổng Công ty đã hoàn thành đầu tư mới, đưa vào hoạt động 2 khách sạn 5 sao là Intercontinental Hà Nội và Hôtel de L'Opera Hà Nội; một số khách sạn 4 sao, 3 sao tại Hà Nội, Điện Biên, Quảng Ninh…

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008, kinh tế thế giới suy giảm mạnh đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị, nhằm khắc phục khó khăn này, Hanoitourist đã điều chỉnh về chủ trương, tập trung vào những ngành nghề kinh doanh có lợi thế cao như khách sạn, lữ hành, văn phòng…

Với các chủ trương đúng, hoạt động của Tổng Công ty liên tục tăng trưởng mạnh, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt là các chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận. Đến nay, vốn điều lệ của Hanoitourist lên đến 2.850 tỷ đồng, tăng gấp 4,76 lần so với ngày đầu thành lập. Dự kiến trong năm 2014, doanh thu của Hanoitourist ước đạt 5.744 tỷ đồng (tăng 4,6 lần so với ngày đầu thành lập), nộp ngân sách 494 tỷ đồng (tăng 4,7 lần), lợi nhuận 626 tỷ đồng (tăng 6,2 lần).

Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu

Nhằm đưa thương hiệu Hanoitourist đến với du khách trong và ngoài nước, từ đó có sức cạnh tranh cao và hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, Hanoitourist còn đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.

Ông Trần Tiến Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Hanoitourist cho biết: Trong thời gian qua, thông qua việc tham gia các hội chợ chuyên ngành tại châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan…, DN đã đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới du khách. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đón các đoàn phóng viên, báo chí, chủ hãng sang khảo sát lễ hội, hội chợ thường niên của Việt Nam.

Không chỉ có vậy, thực tế hoạt động trong 10 năm qua của Hanoitourist cho thấy, nhằm thu hút du khách tại các thị trường trọng điểm Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bắc Mỹ, ASEAN, Đông Âu… DN đã xây dựng, tổ chức những tour du lịch đặc biệt như: Tour du lịch sông Hồng gắn với truyền thuyết vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Tổng Công ty đã xây dựng và hoàn thiện những tour du lịch mới, trong đó chú trọng tour du lịch kết hợp với lễ hội văn hóa; du lịch làng nghề…

Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới của Tổng Công ty nói riêng và ngành du lịch Thủ đô nói chung, ông Phạm Đức Hùng - Tổng Giám đốc Hanoitourist đề xuất: UBND TP Hà Nội nên xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cũng như chính sách về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch trong quá trình tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, lễ hội dân gian… cần tính đến các yếu tố có tính thúc đẩy và phối hợp trong du lịch, nhất là các dịch vụ cung cấp cho du khách.

Đồng thời, xây dựng chương trình xúc tiến du lịch cụ thể tại thị trường trong nước, quốc tế để giữ vững được các thị trường khách truyền thống, từ đó tìm kiếm mở rộng thị trường mới.q
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu:

Tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô

Trong thời gian tới, Hanoitourist nên chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, mang thương hiệu du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, bám sát quy hoạch chung để đổi mới, thích ứng với tầm nhìn chiến lược, qua đó đưa sản phẩm du lịch của Hà Nội nói chung, của Hanoitourist nói riêng thực sự hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách đến với Thủ đô. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông trong việc quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường cũng như nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thủ đô đến với các nước trong khu vực và trên thế giới.