Vùng đất của đặc sản
Nhắc đến Ba Vì, không thể không nhắc tới sản phẩm sữa tươi Ba Vì đã có thương hiệu nhiều năm. Khí hậu mát mẻ của vùng đồi núi, cộng với diện tích đồng cỏ rộng lớn đã tạo điều kiện cho nghề chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Hiện nay, đàn bò sữa của Ba Vì lên tới gần 7.600 con, trong đó chủ yếu tập trung ở 3 xã trọng điểm là Vân Hòa, Tản Lĩnh và Yên Bài (khoảng 6.000 con). Bình quân mỗi năm, đàn bò sữa của huyện tăng khoảng 1.000 con. Thời gian gần đây, trong khi ngành chăn nuôi nói chung gặp rất nhiều khó khăn nhưng nuôi bò sữa vẫn là hướng đi mang lại thu nhập khá ổn định cho người nông dân. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, mỗi con bò sữa cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.
Ngoài bò sữa, hiện trên địa bàn huyện đang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò thịt BBB với số lượng trên 1.000 con, tập trung chủ yếu ở xã Tòng Bạt. Ông Nguyễn Đình Dần - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, bò BBB có tỷ lệ thịt cao, nhanh cho thu hoạch, khoảng 6 - 18 tháng là có thể xuất chuồng. Giá bán mỗi con bò BBB to khoảng 25 - 27 triệu đồng, con nhỏ cũng trên 15 triệu đồng. Huyện đặt ra mục tiêu trong năm 2014 phát triển nhanh đàn bò BBB ở tất cả các xã trên địa bàn với khoảng 9.000 con bò cái nền để lai tạo. Bên cạnh đó, huyện đang phối hợp với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội và Sở KH&CN phát triển mô hình nuôi gà đồi thả vườn và xây dựng thương hiệu gà đồi Ba Vì nhằm khai thác thế mạnh của vùng đất đồi gò với tổng đàn gia cầm lên tới 2,8 triệu con, trong đó khoảng 40 - 50% là gà đồi.
Về trồng trọt, một sản vật của vùng núi Tản chính là chè Ba Vì đã có thương hiệu trên thị trường. Tính đến nay, diện tích trồng chè toàn huyện đạt 1.800ha, phân bố chủ yếu ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang với tổng sản lượng trên 15.000 tấn búp tươi/năm. Đặc biệt, đầu năm 2014, sản phẩm khoai lang Đồng Thái của huyện đã được cấp nhãn hiệu tập thể. Đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân Ba Vì trong phát triển các sản vật của địa phương thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Xã Đồng Thái hiện có khoảng 400ha đất trồng khoai lang vụ đông, năng suất lên tới 600 - 800kg/sào. Với giá bán buôn bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi sào trồng khoai lang cho thu nhập 6 - 8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cây lúa.
"Khoảng trống"của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cho người nông dân. Cụ thể, trong năm 2014, huyện hỗ trợ 50% giá giống cho các diện tích cấy lúa chất lượng cao như Bắc thơm, RVT, TBR45, Nàng xuân nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa ổn định. Đồng thời, hỗ trợ các chương trình khảo nghiệm giống lúa mới, xây dựng mô hình thâm canh chè chất lượng cao với quy mô 20ha. Về chăn nuôi, UBND huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, vaccine tiêm phòng để phát triển đàn bò sữa, bò BBB, thâm canh thủy sản và chăn nuôi gà đồi...
Mặc dù nhiều sản phẩm nông sản của Ba Vì đã có thương hiệu trên thị trường nhưng hiện nay việc phát triển thương hiệu còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, ngoại trừ chăn nuôi bò sữa có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) trong việc hỗ trợ nông dân vốn vay mua bò giống, kỹ thuật chăm sóc và đảm bảo đầu ra cho sữa với giá thành tương đối ổn định, các sản phẩm khác vẫn vắng bóng vai trò của "bà đỡ". Đơn cử với cây chè, dù chất lượng chè Ba Trại được đánh giá rất thơm ngon nhưng do các DN thu mua nhỏ giọt, giá thành thấp nên phần lớn bà con nông dân tự thu gom, sao chế. Công nghệ chế biến chè của một số DN còn khá lạc hậu vì vậy, các sản phẩm trà đen, trà xanh của Ba Vì có giá thấp, chỉ khoảng 170.000 - 200.000 đồng/kg, loại kém hơn chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Điều đó dẫn tới thu nhập từ trồng chè cũng rất thấp, chỉ 40 - 50 triệu đồng/ha. Hay với cây khoai lang, yếu tố bất lợi là chỉ trồng được vào vụ đông nên sản lượng khoai còn hạn chế.
Ông Nguyễn Đình Dần phân tích, Ba Vì có rất nhiều nông sản thế mạnh nhưng các DN tham gia vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ còn yếu nên chưa thúc đẩy sản xuất phát triển. Do đó, để sản xuất nông nghiệp cũng như các nông sản có thương hiệu phát triển mạnh mẽ, theo ông Dần nhất thiết phải có sự tham gia của DN để ký hợp đồng với người nông dân từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra đúng quy trình kỹ thuật và VSATTP. Có như vậy, giá bán sản phẩm mới cao, mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người nông dân. Để làm được điều đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đột phá, thông thoáng hơn để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Việc phát triển hợp lý đàn bò đã giúp Sữa tươi Ba Vì có nhiều sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Quang Thiện
|