Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương hiệu quốc gia: Doanh nghiệp phải tích cực vào cuộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xây dựng Thương hiệu quốc gia (THQG) bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công Thương đòi hỏi chính bản thân các DN phải vào cuộc.

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương)
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương)
Đó là khẳng định của ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

Tại Diễn đàn THQG Việt Nam do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Công ty Brand Finance đã công bố giá trị thương hiệu Việt Nam năm 2015 chỉ được định giá 140 tỷ USD, giảm 19%. Và thương hiệu Việt chỉ xếp trên Campuchia. Vậy, đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Nguyên nhân chính được chỉ ra đó là dù Chính phủ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN xây dựng THQG, nhưng nhiều DN mang thương hiệu này lại chỉ quan tâm tiêu thụ hàng hóa, chưa chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, trên 90% DN Việt Nam còn là DN nhỏ và vừa, nhiều DN siêu nhỏ, vì vậy DN chưa chú trọng việc xây dựng THQG cho sản phẩm…

Vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát hơn 600 DN và khách hàng nước ngoài về ấn tượng của họ với THQG Việt Nam. Kết quả cho thấy: Ấn tượng của người nước ngoài về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng chiến lược thương hiệu của Việt Nam thông qua hoạt động xuất khẩu hiện vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Cụ thể, nhiều sản phẩm còn xuất dưới dạng thô nên giá trị gia tăng thấp, thậm chí có những thương hiệu của Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế, nhưng người tiêu dùng trong nước lại chưa bao giờ biết đến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá trị THQG Việt Nam sụt giảm.

Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, vậy vấn đề xây dựng thương hiệu của Việt Nam như thế nào?

- Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng hơn với việc tham gia thực hiện các thỏa thuận FTA, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... thì việc phát triển thương hiệu trong một thị trường cạnh tranh gay gắt ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện để nâng cao giá trị xuất khẩu của các hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, đồng thời đảm bảo tính bền vững khi tham gia cạnh tranh tại thị trường quốc tế và thị trường nội địa khi hàng hóa nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam thông qua các FTA.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các THQG của Việt Nam còn yếu. Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại có những giải pháp gì để hỗ trợ cho các DN?

- Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, nếu so với các nền kinh tế ở châu Âu hay Bắc Mỹ với hàng trăm năm lịch sử xây dựng kinh tế thị trường thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam còn rất mới. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước thì chương trình THQG được Chính phủ phê duyệt và giao cho Bộ Công Thương thực hiện mới bước sang năm thứ 13. Do vậy, khả năng hỗ trợ để DN Việt Nam thực sự lớn mạnh và có được tiếng vang lớn trên thị trường thế giới cũng còn những hạn chế nhất định. Nhằm hỗ trợ DN trong quá trình này,  thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ các DN, trong đó tập trung nâng cao nhận thức về công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để giúp các DN đạt tiêu chuẩn THQG Việt Nam có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình.

Còn vai trò của DN, thưa ông?

- Trong quá trình xây dựng THQG nói chung, thương hiệu DN nói riêng, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, chính bản thân các DN phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị DN, qua đó để theo đuổi giá trị thương hiệu, không nên dừng lại ở việc đạt được danh hiệu rồi không tiếp tục phấn đấu phát triển. THQG không phải là một giải thưởng, do vậy phải đặt vấn đề trách nhiệm chính của DN trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia đó. Đó mới là giá trị đích thực mà các DN cần phải theo đuổi. Để làm được việc này, trước mắt, DN Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến về cách xây dựng thương hiệu, qua đó hướng tới 3 giá trị cốt lõi mà Việt Nam hướng đến trong giai đoạn hội nhập hiện nay: Chất lượng - đổi mới, sáng tạo và năng lực lãnh đạo.

Điều đó cho thấy, việc DN chủ động tham gia xây dựng THQG một cách tích cực là một trong những điều kiện tiên quyết để chương trình THQG đạt kết quả.

Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội:
Quan tâm hơn đến chính sách bảo vệ hàng hóa
Hiện vẫn có tình trạng DN nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc rồi dán nhãn Việt Nam để xuất khẩu. Tình trạng hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát tốt cũng là vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Các cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều hơn chính sách bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu. Hiện, Chương trình THQG Việt Nam mới chỉ hỗ trợ DN lớn, trong khi DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các DN nhỏ và vừa để đẩy mạnh xuất khẩu, qua đó quảng bá THQG tới thị trường quốc tế. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần chú trọng hỗ trợ DN sản xuất và kinh doanh, tránh tình trạng dồn nguồn lực quốc gia vào một số ngành nhất định như chứng khoán, bất động sản mà quên đi đầu tư sản xuất để thị trường có thêm nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, có tính cạnh tranh và đạt tiêu chí của THQG.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng:
Cần nỗ lực xây dựng thương hiệu hơn nữa
Các DN Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng THQG. Thứ nhất để chiếm lĩnh ngay ở thị trường nội địa, chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, khi khẳng định được thương hiệu của mình, ghi tên mình trên bản đồ thế giới có nghĩa là DN đã làm tăng giá trị của mình cũng như cho đất nước. Tuy nhiên, song song với việc xây dựng quảng bá thương hiệu, DN cũng cần nâng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm để không bao giờ đánh mất thương hiệu mình đã gây dựng.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội:
Tạo điều kiện thuận lợi khi đăng ký thương hiệu
Để hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu, cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký thương hiệu; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu thương hiệu. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các DN cần chủ động trong việc cải tiến mẫu mã, giữ chữ tín bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, các DN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nên đẩy mạnh liên kết tạo thành chuỗi giá trị, đầu tư công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm xây dựng được thương hiệu bền vững.