Thường Tín - thường trực nỗi lo chất lượng thực phẩm tại chợ truyền thống

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Thường Tín có nhiều chợ truyền thống buôn bán thực phẩm tươi sống, “tọa lạc” ngay ven đường, thu hút một lượng lớn người kinh doanh. Tuy nhiên, việc kiểm soát an toàn thực phẩm, nông sản bán ở các chợ nơi đây còn nhiều bất cập.

Thực phẩm tươi sống và các mặt hàng nông sản được tiểu thương bày bán ven đường giao thông xã Ninh Sở rất mất vệ sinh ATTP. Ảnh: Hữu Trường
Nhiều bất cập
Hiện tại tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín, 90% là sản phẩm bày bán là nông sản, thực phẩm. Đa phần các chợ đều có phân khu bán hàng riêng biệt cho từng nhóm, ngành hàng, đặc biệt đối với thực phẩm thịt cá, rau củ, quả tươi sống và thực phẩm đóng gói sẵn. Tuy nhiên nhiều loại thực phẩm, rau, củ, quả thời gian qua bán ở các chợ ven đường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiểu thương chỉ biết mua để bán lẻ.

Một trong những bất cập từ nhiều năm qua tại huyện là các chợ tự phát, chủ yếu bám đường hoặc nằm ở khu vực trung tâm thôn, xã, cơ sở hạ tầng yếu kém, mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ô nhiễm môi trường. Hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn. Chị Phạm Minh Hương (bán thịt lợn ở khu vực cầu Đỗ Hà, xã Hòa Bình) chia sẻ, do 3/5 thôn của xã Hòa Bình chưa được xây dựng chợ dân sinh, nhiều năm qua, từ thói quen đã hình thành một "chợ" ở vực cầu Đỗ Hà. Do chợ chỉ họp vào buổi sáng, nên mỗi ngày chị chỉ nhập khoảng 50kg thịt lợn từ người bán buôn chở đến hàng ngày có nguồn gốc từ lò mổ.

Bà Nguyễn Thị Mai (bán rau ở chợ Vồi, xã Hà Hồi) cho hay, mỗi ngày bà bán được 60kg rau, củ, quả các loại, hầu hết sản phẩm mua của nông dân trong vùng và do gia đình tự trồng. Nhiều năm qua bà cũng không mấy khi thấy cán bộ đến chợ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Theo bà Đỗ Thị Chinh, tiểu thương ở chợ Giường, ven đường giao thông xã Duyên Thái, hàng ngày từ sáng sớm, mọi người ra chợ đầu mối mua rau, thịt, cá… mang về bán, hầu hết sản phẩm nông sản đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Chị Bùi Thu Trang, thị trấn Thường Tín cho biết: "Địa bàn thị trấn không chỉ có siêu thị Lan Chi Mart và Long Bình, ngoài ra còn có hàng loạt cửa hàng tiện ích, nhưng chỉ khi cần mua rau, thịt cho con nhỏ tôi mới vào, còn lại chủ yếu mua ở chợ ven đường cho tiện. Hàng hóa trong siêu thị có tem nhãn, yên tâm về chất lượng nhưng giá cao hơn tại chợ 20 - 30%".

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh chia sẻ, việc kiểm soát nông sản bán ở chợ còn bất cập do số tiểu thương đến chợ biến động, dẫn tới việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm gặp khó khăn. Cùng với đó là thói quen của người dân, chủ yếu mua thực phẩm từ các chợ dân sinh, chợ tạm; lượng người tiêu dùng mua nông sản, thực phẩm tại siêu thị rất ít. Thực tế hiện nay trên địa bàn có nhiều chợ ở ven đường là đúng, tuy nhiêu thời gian qua vẫn chưa xảy ra vụ việc nào ảnh hưởng từ thực phẩm mua tại các chợ này.

Chủ tịch UBND xã Ninh Sở Trần Quốc Bảo cho biết: “Để bảo vệ người tiêu dùng, xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tác hại của việc sử dụng nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra điều kiện vệ sinh ATTP tại các chợ, yêu cầu người dân ký cam kết kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định”.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời yêu cầu Ban Quản lý chợ thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh ATTP đối với hàng hóa lưu thông trong chợ; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Thường Tín cũng đã triển khai các giải pháp tăng cường giám sát khâu sản xuất theo chuỗi, liên kết người sản xuất với DN bán lẻ. Việc này không chỉ bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh ATTP. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn hộ kinh doanh thực hiện việc ghi chép mua bán nhằm phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm; khuyến khích người dân chủ động tố giác tiểu thương kinh doanh hàng hóa không bảo đảm chất lượng...

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần