Thương về miền Trung

Thu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh chuyển lên Facebook cá nhân những hình ảnh buồn về người dân ở khúc ruột miền Trung đang chìm trong mưa lũ cùng một dòng chữ giống tựa đề của một bài hát: “Thương về miền Trung”.

 Hình ảnh con bò treo mõm lên dây thừng cho khỏi chết sặc trong nước sao mà ám ảnh; hình ảnh người dân lướt thướt ngồi trên nóc ngôi nhà của mình giữa bốn bề mênh mông nước sao mà xót xa... Lạc trong chuỗi ảnh đó, chỉ duy nhất bức ảnh anh ngồi sau vô lăng với những thùng mì tôm, những bọc áo quần đem “cứu tế” sau lưng.
Chỉ chừng một tiếng đồng hồ sau, chuông điện thoại của anh réo liên hồi. “Mày đi miền Trung đấy à? Còn thiếu gì nữa không, tao tham gia với”, “Hôm nào cậu đi đấy, mình tham gia được không?”, “Cậu đi là anh yên tâm rồi, cho anh gửi ủng hộ bà con trong ấy chút ít nhé!”... Bạn bè, người quen và cả những người lần đầu tiên gọi điện cho anh giới thiệu: “Tôi xin số điện thoại của anh ở chỗ T., biết anh sắp đi miền Trung, cho tôi gửi chút lòng ủng hộ bà con chịu ảnh hưởng của mưa lũ trong ấy nhé!”... Cứ bảo người đô thị bây giờ nhà nào biết nhà nấy, thờ ơ với mọi chuyện chẳng liên quan đến mình, nhưng đâu phải thế. Người đô thị hôm nay dù quay cuồng trong vòng xoay hối hả cuộc sống công nghiệp, vẫn giữ trong lòng tinh thần sẻ chia, nhường cơm sẻ áo, tương thân tương ái vốn đã là truyền thống của người Việt. Chỉ có điều, người ta cẩn trọng và chắc chắn hơn trong việc cứu trợ, trong việc tìm địa chỉ để gửi quà cứu trợ để chắc chắn được rằng, món quà họ gửi đến được tận tay người dân vùng lũ.
Anh bảo tôi, người miền Trung lúc nào cũng kiên cường và lạc quan. Đúng vậy, bấm điện thoại hỏi thăm một người bạn ở nơi ấy, cái giọng đặc sệt miền Trung vững chãi phía đầu dây bên kia: “Bữa ni nước lên đến mái nhà rồi dượng à, nhưng gia đình tui không sao!”. Thế nên, tôi tin, họ sẽ lạc quan và ấm lòng hơn khi có thêm những tấm lòng sẻ chia để đưa người miền Trung vượt qua cơn hoạn nạn này.