Nhiều người cho rằng, ghép Lịch sử, Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng – an ninh thành môn Công dân với Tổ quốc là thiếu khoa học, là xóa sổ môn Lịch sử. Tuy nhiên, phía Ban xây dựng Chương trình GDPT tổng thể vẫn bảo vệ quan điểm tích hợp của mình.
Giải thích về việc tại sao phải tích hợp nội dung Lịch sử trong môn học Công dân với Tổ quốc trước ồn ào phê phán của các nhà nghiên cứu lịch sử, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, điều quan trọng của tích hợp là để kiến thức hỗ trợ lẫn nhau.
Học sinh sẽ học Lịch sử nhiều hơn
Theo ông Hiển, tích hợp là để liên hệ sử dụng kiến thức một cách hài hòa nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục. Điều này khẳng định Bộ GD&ĐT không “xóa bỏ” môn Lịch sử, mà trái lại rất coi trọng môn học này. Minh chứng rõ nhất ở việc thiết kế Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, tất cả học sinh (HS) đều phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và một trong 2 môn Lịch sử hoặc Khoa học xã hội. Ngoài ra, HS còn được học Lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Thời lượng bắt buộc dành cho giáo dục Lịch sử trong chương trình mới cũng nhiều hơn chương trình hiện hành. Nếu chương trình hiện hành bắt buộc HS học 1,5 tiết/tuần, thì theo dự thảo chương trình tổng thể, HS phải học môn Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn Khoa học xã hội 3 tiết/tuần, hoặc Lịch sử 3 tiết/tuần. “Cách sắp xếp các môn học Công dân với Tổ quốc và môn Khoa học xã hội hoặc môn Lịch sử là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành có 13 môn học bắt buộc và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của chương trình giáo dục của một số nước”.
Ông Hiển phản đối các ý kiến cho rằng, tích hợp giáo dục Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc là trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Lý do bởi, cách tích hợp này đã đảm bảo cho HS phân hóa theo hướng: Ngoài môn Công dân với Tổ quốc là bắt buộc chung, những HS định hướng những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xã hội có thể học môn Lịch sử với yêu cầu cao về kiến thức và khoa học Lịch sử. Và chọn thêm các chuyên đề mở rộng, nâng cao về Lịch sử. Những HS khác thì học môn Khoa học xã hội với yêu cầu nhẹ hơn về Lịch sử.
Kiến thức được sắp xếp logic
Theo ông Hiển, lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa này, chúng ta không cầu toàn nhưng phải đặt ra tiền đề để suy nghĩ làm tiếp và tiến bộ về sau. Chính vì thế, các ý kiến nói gán ghép các phân môn (mạch kiến thức) chưa chắc đã đúng. Đây cũng không phải là cách đặt các kiến thức bên cạnh nhau một cách máy móc, khô cứng. Việc xây dựng chương trình mới, viết sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu kiến thức Lịch sử được sắp xếp một cách logic. Và tránh chồng chéo, lặp lại kiến thức Lịch sử giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Khoa học xã hội, giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Lịch sử. Giữa 2 môn Khoa học xã hội và Lịch sử có thể cùng một số nội dung kiến thức Lịch sử vì 2 môn này nhằm đáp ứng 2 nhóm HS khác nhau (không bắt buộc mỗi em học cả 2 môn này). “Khi dạy mạch kiến thức này, khi viết mạch kiến thức này phải nhìn mạch kiến thức kia, phải biết mạch kiến thức kia có liên quan đến nhau. Đặc biệt, nếu mình làm được 3 việc đó sẽ tạo điều kiện hình thành những chủ đề tích hợp” - ông Hiển giải thích thêm.
Ông Hiển thông tin, kết quả cuộc thi giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp trong 2 năm qua đã chứng minh những giáo viên giỏi đã tự thiết kế và dạy học được một số chuyên đề dạng này. Sắp tới, sách giáo khoa sẽ viết chủ đề cho giáo viên dạy, từ đây, chúng ta sẽ bồi dưỡng cho giáo viên làm được hơn nữa. Đồng thời, sẽ định hướng cho các trường sư phạm phải đổi mới chương trình và đổi mới cách tổ chức đào tạo để sản phẩm ra trường là những giáo viên dạy được toàn bộ các nội dung trong từng môn học mới của Chương trình GDPT, chứ không cần phải 3 - 4 người dạy một môn.
Tiết học Lịch sử của học sinh khối 12 trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
|
Trong buổi giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Ban Tuyên giáo T.Ư ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận thiếu sót trong bản dự thảo Chương trình GDPT tổng thể trình bày chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có Chương trình GDPT tổng thể một cách tốt nhất. |