Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại làng nghề gỗ Vạn Điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề gỗ Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội hiện có hàng trăm hộ dân làm nghề gỗ, phun sơn. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh còn tồn tại nhiều vi phạm về an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Còn nhiều vi phạm

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) số 12 (Cảnh sát PCCC Hà Nội), xã Vạn Điểm hiện có gần 120 hộ làm nghề gỗ, trong đó có trên 20 hộ làm nghề phun sơn nằm tập trung tại khu làng nghề, số hộ còn lại sản xuất và gia công gỗ nằm rải rác trong khu dân cư. Với đặc thù nghề, trong quá trình hoạt động, các hộ sản xuất sử dụng nguyên vật liệu chủ yếu là gỗ - một vật liệu dễ cháy. Mùn cưa, bụi gỗ và những hóa chất sử dụng trong quá trình gia công, chế biến đồ gỗ không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường mà còn rất dễ gây cháy nổ.
Xưởng gỗ tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.
Xưởng gỗ tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.
Qua công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại Vạn Điểm hàng năm cho thấy, nhiều thiếu sót, sai phạm về an toàn PCCC vẫn còn tồn tại. 100% các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong làng nghề chưa có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, chưa xây dựng phương án chữa cháy theo quy định. Về mặt trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, phần lớn các hộ sản xuất đã chú ý đến việc trang bị bình chữa cháy xách tay; tuy nhiên, đối với các hộ kinh doanh hầu hết đều chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định.

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12, quá trình kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai sót như: Khu vực sản xuất, kinh doanh của các hộ thường nằm liền kề nhau, không đảm bảo điều kiện ngăn cháy, nên dễ cháy lan sang và có nguy cơ gây ra cháy lớn. Các hộ thường tiết kiệm diện tích, dẫn đến việc sắp xếp hàng hóa nối tiếp, thậm chí chồng lên nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; hệ thống điện đấu nối tùy tiện không theo thiết kế, không chạy trong ống gen bảo vệ, dây dẫn điện mắc lên tường hoặc các cấu kiện xây dựng bằng kim loại; không tính toán khi lắp đặt thiết bị bảo vệ phù hợp mà thường theo cảm tính ở vị trí không thích hợp…, nếu xảy ra cháy trong nhà không thể cắt điện kịp thời. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề Vạn Điểm còn mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung. Có tới gần 100 hộ sản xuất và chế biến gỗ vừa sản xuất vừa sinh hoạt trong một khuôn viên nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư. Không gian sản xuất thường chật hẹp, sử dụng sân và lối đi làm nơi sản xuất, chỉ có một đường thoát nạn duy nhất là cửa ra vào, không đảm bảo điều kiện thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra...

Nâng cao ý thức về an toàn

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, trước những nguy cơ cháy nổ từ nghề làm gỗ, đặc biệt là đối với những hộ làm nghề phun sơn có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao hơn và ảnh hưởng đến môi trường nhiều hơn, nên trong những năm gần đây, UBND xã Vạn Điểm đã bố trí khu vực riêng dành cho các hộ phun sơn. Các hộ làm nghề phun sơn đã tình nguyện di dời ra khỏi khu dân cư, hoạt động tập trung tại một khu vực riêng có các quy định nghiêm ngặt về an toàn PCCC. Tại các khu vực cụm làng nghề, các cơ sở sản xuất cơ bản đã đảm bảo trang bị các phương tiện PCCC, các cơ sở đều đáp ứng bố trí từ 2 lối thoát nạn trở lên theo quy định, đường vào cụm làng nghề cũng được bố trí riêng, rộng rãi thuận tiện cho xe chữa cháy tiếp cận tất cả các cơ sở khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến cũng đưa ra khuyến cáo: Thời gian tới, để nâng cao công tác PCCC tại Vạn Điểm, đồng thời để đề phòng các nguy cơ cháy nổ tại làng nghề, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh về đảm bảo an toàn PCCC, Luật PCCC. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC; tập huấn kiến thức PCCC và các quy trình kiểm tra PCCC cho lực lượng công an xã, lực lượng dân phòng tại các thôn để đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra an toàn PCCC tại địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp giữa Cảnh sát PCCC với chính quyền địa phương, định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC lực lượng dân phòng, cán bộ công chức xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các chủ hộ sản xuất, kinh doanh và gia công gỗ cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn PCCC, xây dựng và bổ sung hồ sơ PCCC kịp thời theo quy định, trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC; mỗi người dân cần chủ động, tích cực bổ sung kiến thức, chấp hành nghiêm an toàn PCCC đảm bảo theo quy định…