Tiềm ẩn nguy cơ từ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm Tết Trung thu đang cận kề và dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để kinh doanh sản phẩm bánh Trung thu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc. Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm bánh Trung thu trên thị trường, tránh "tiền mất tật mang".

Đội Quản lý thị trường số 4 Hà Nội thu giữ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Hải
Thu giữ lượng lớn bánh không rõ nguồn gốc
Thời gian gần đây, liên tiếp các lô bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu... đã bị cơ quan chức năng TP Hà Nội phát hiện và xử lý.

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ 43 thùng bánh có chữ nước ngoài với tổng số khoảng 5.000 chiếc các loại, trong đó có 28 thùng bánh Trung thu; 15 thùng bánh thập cẩm không rõ nguồn gốc. Đối tượng Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1992; ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) thừa nhận là chủ số hàng hóa nêu trên và khai số bánh này được mua gom từ các tỉnh biên giới mang về bán kiếm lợi trong dịp Tết Trung thu sắp tới.
Trước đó vài ngày, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh Trung thu tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện tại đây có 11.130 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Thận trọng khi sử dụng

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện nghiêm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển. Các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất như nguyên tắc "3 tại chỗ", "một cung đường 2 điểm đến".
Ngoài ra, Sở Y tế lưu ý, trong thời gian không thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm thực phẩm và chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương triển khai hoạt động kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối...
Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ mua và sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Đặc biệt, người dân cần kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.

Đề cập đến vấn đề này, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong đề nghị, các tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội phải chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Các tỉnh, TP không trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ triển khai hoạt động phù hợp với tình hình thực tế để kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối…
Các hành vi vi phạm cần xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình triển khai, cơ quan chức năng cần chú ý tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình của địa phương. Cũng theo ông Phong, người tiêu dùng chỉ mua, sử dụng bánh Trung thu nếu có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cần đặc biệt lưu ý về hạn sử dụng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng nên thận trọng trước những loại bánh tem nhãn không rõ ràng. Bởi, những loại bánh không rõ nguồn gốc thường không ghi rõ thông tin quan trọng nhất, nên người tiêu dùng cần phải lưu ý.
Thực tế, các loại bánh Trung thu thường được sử dụng các loại phẩm màu để tăng tính thẩm mỹ. Nếu khách hàng mua phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm, điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, người dân không nên mua và ăn những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần