Tiềm năng bị lãng quên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, khi nói đến bất động sản (BĐS), hầu hết đều chỉ nhắc tới các dự án đất nền, biệt thự liền kề, căn hộ chung cư, căn hộ văn phòng cho thuê… mà quên mất loại hình BĐS doanh nghiệp, xây dựng nhà xưởng, cho thuê xí nghiệp, kho bãi, các dự án đầu tư mặt bằng phục vụ sản xuất...

Thực tế, đây là phân khúc được các chuyên gia đánh giá rất tiềm năng và có triển vọng nhất trong năm 2014. Tuy nhiên, phân khúc BĐS này vẫn chưa được đầu tư, khai thác đúng cách, triệt để.

Thiếu cầu nối

Theo các chuyên gia, Việt Nam luôn là một trong những điểm hấp dẫn, thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi môi trường chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển, nguồn nhân công trẻ dồi dào cộng thêm vị trí thuận lợi về giao thông, cửa ngõ của các hoạt động giao thương quốc tế. Không những thế, Nhà nước đã và đang chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi, dễ dàng hơn đồng thời tăng sức hút với các nhà đầu tư.

Một góc Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín.	 Ảnh: Hải Linh
Một góc Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín. Ảnh: Hải Linh

Tuy nhiên, trên thực tế khi các nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu thông tin về nhà xưởng, kho bãi, họ khá vất vả bởi rất hiếm đơn vị, công ty tư vấn, môi giới hay các sàn giao dịch có thể làm nhiệm vụ này. Tại Việt Nam, có một số đơn vị tư vấn nước ngoài như Savills, CBRE, Cushman & Wakefield… vẫn duy trì nghiên cứu, tư vấn mảng BĐS này, song thực tế cung chưa đủ đáp ứng cầu. Thế nên, khách hàng thường tự tìm đến các khu công nghiệp truyền thống để trực tiếp làm việc với chủ đầu tư hoặc qua các quan hệ công việc, mối làm ăn giới thiệu. Các nhà đầu tư thường rất kỹ tính trong việc chọn lựa ví trí đặt cơ sở sản xuất, kho xưởng. Các khu công nghiệp đã có sẵn cơ sở hạ tầng tốt, nguồn cung cấp điện năng ổn định, hệ thống xử lý môi trường nước thải… thường được ưu tiên chọn lựa.

Lý giải về sự thiếu hụt này, đại diện một số sàn giao dịch, công ty môi giới BĐS cho rằng đây là phân khúc lớn và có những đặc thù riêng. Dù rất hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài khi sang Việt Nam đầu tư, họ thường tìm kiếm sự tư vấn từ những công ty môi giới nước ngoài. Họ làm việc nguyên tắc, chỉ tiếp cận khách qua đơn vị tư vấn và sẵn sàng trả phí khi thương vụ môi giới thành công. Chính vì lý do đó, phân khúc BĐS doanh nghiệp bị "lãng quên", thậm chí là các sàn giao dịch né tránh.

Chìa khóa thành công là “sức bền” và chiến lược lâu dài

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường BĐS doanh nghiệp, khu công nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, bởi Việt Nam hiện vẫn đang là địa điểm rất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp có ý định đầu tư thì nên coi đây là thị trường để đầu tư mang tính chiến lược, lâu dài. Cần tìm hiểu kỹ càng về nhu cầu thị trường và điều kiện thuận lợi tại địa điểm dự định đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia phải có "sức bền" về mặt tài chính để ứng phó với những giai đoạn khủng hoảng, bởi loại hình này không chỉ khó trong thu hút đầu tư mới mà các khách hàng đã ký hợp đồng thuê có thể trì hoãn dự án hoặc chậm thanh toán tiền thuê. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo, ngoài yếu tố mặt bằng nhà đầu tư cũng cần bảo đảm cung cấp các nhu cầu hỗ trợ khác như cầu cảng, kho bãi, cơ sở hạ tầng giao thông đường sá… những yếu tố sẽ tác động rất lớn đến sự thu hút của các nhà đầu tư.

Theo ông Huỳnh Anh Dũng - Giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia BĐS Hoa Kỳ, trong bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay cần những công ty môi giới BĐS doanh nghiệp, khu công nghiệp đúng nghĩa, với cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Đây là yếu tố cần thiết để làm đa dạng hóa hoạt động của ngành công nghiệp BĐS tại Việt Nam phát triển. Và quan trọng hơn là giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội mua bán, sang nhượng cũng như thuê được cơ sở kho xưởng tốt. Làm cầu nối đáng tin cậy cho các nhà đầu tư có nhu cầu.

 
Cả nước hiện có 289 KCN, trong đó có 184 khu đã đi vào hoạt động, các khu còn lại đang xây dựng kết cấu hạ tầng. Các KCN không chỉ có đóng góp lớn về xuất khẩu, sản lượng công nghiệp, mà còn tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc việc thu hút các dự án vào các KCN gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Duy Đông Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ KH&ĐT