Tiêm vaccine Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh có thể "vỡ" kế hoạch: Vì sao?

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 21/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch "thần tốc" tiêm 836.000 liều vaccine ngừa Covid-19. Dự kiến, kế hoạch này sẽ hoàn tất vào hôm nay 25/6. Tuy nhiên, nhiều khó khăn khách quan phát sinh trong quá trình thực hiện, khiến số lượng người được tiêm thực tế ít hơn so với mục tiêu đặt ra.

Khám sàng lọc "hao" thời gian
Theo đó, trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tiêm 200.000 liều vaccine Covid-19 một ngày, trong 5 ngày hoàn tất chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với 836.000 liều. Song, sau 4 ngày từ ngày 21 đến hết ngày 24/6, TP mới chỉ tiêm được hơn 300.000 liều.

 Nhân viên y tế chuẩn bị sẵn sàng trước khi tiêm vaccine Covid-19 cho người dân
Sáng nay 25/6, TP Hồ Chí Minh bước vào ngày thứ 5 chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Theo ghi nhận, tại nhiều điểm tiêm, nhân viên y tế mất rất nhiều thời gian để khám sàng lọc, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng, khiến số tiêm mỗi ngày không đảm bảo kế hoạch.
Tại điểm tiêm quận Gò Vấp, một bác sĩ tham gia khám sàng lọc cho biết, nhiều người phải hoãn tiêm, không đủ điều kiện tiêm sau khi khám sàng lọc. Đặc biệt, một số người không thể tiêm ở các điểm lưu động, phải tiêm ở bệnh viện có đầy đủ phương tiện cấp cứu khá nhiều. Thế nhưng đợt này TP lại chưa triển khai tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức, cấp cứu ban đầu.
“Chưa kể, nhiều người dân đến điểm tiêm rồi nhưng lại đổi ý không tiêm, họ sợ rủi ro, lo lắng các tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm dù được tư vấn kĩ vẫn nhất quyết không đồng ý”, bác sĩ này nói.
Tương tự, tại điểm tiêm Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, ông H. (45 tuổi, ngụ quận 1) cho biết, phải ra về sau khi khám sàng lọc không đạt: “Tôi bị bệnh liên quan đến hô hấp nhiều năm nay, vì vậy phải hoãn tiêm. Sắp tới, nếu được tiêm phải thực hiện tiêm ở bệnh viện để an toàn”, ông H. chia sẻ.

 Tất cả người dân đều phải đo thân nhiệt, kiểm tra huyết áp, khám sàng lọc trước khi được tiêm vaccine Covid-19
Trao đổi với PV báo Kinh tế&Đô thị, đại diện điểm tiêm ở trường Hà Huy Tập (quận 12) cũng chia sẻ nhiều khó khăn khách quan khiến số lượng tiêm mỗi ngày không đạt được như kế hoạch. Cụ thể, theo danh sách, mỗi ngày điểm tiêm trường Hà Huy Tập sẽ tiêm 200 người. Tuy nhiên, sau khám sáng lọc nhiều người không đủ sức khoẻ để được tiêm. Một số trường hợp nguy cơ cao hơn thì phải chuyển lên bệnh viện khiến cho quá trình tiêm chủng bị chậm trễ, không đạt được kế hoạch.
“Trung bình trong ngày sẽ có khoảng 1/3 người tiêm không đủ điều kiện tiêm. Trong hôm nay, 25/6, các đối tượng tuyến đầu như dân phòng, dân quân, tổ Covid cộng đồng, giáo viên, người nghèo, cận nghèo, người thu gom rác sẽ được tiêm”, vị này cho hay.
Là điểm tiêm chủng lớn nhất TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận từ sáng đến trưa 25/6, tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) tiếp nhận có rất nhiều người từ các đơn vị đến. Một số khu vực xảy ra tình trạng đông đúc, tuy nhiên lực lượng y tế vẫn kiểm soát tốt tình hình, không xảy ra tình trạng chen lấn, hay tiếp xúc quá gần.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), phụ trách khu vực tiêm tại Nhà thi đấu Phú Thọ cho biết, đúng 8 giờ sáng, lực lượng y tế đã có mặt sẵn tại điểm tiêm. Phía trong nhà thi đấu bố trí 46 bàn tiêm, lực lượng tiêm đến từ 9 đơn vị khác nhau như: Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Răng hàm mặt... 

 Khung cảnh người dân đến tiêm vaccine tại Nhà thi đấu Phú Thọ sáng nay 25/6
"Theo danh sách của Sở Y tế gửi về, đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này là nhân viên y tế, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, điện nước... Chúng tôi đã huy động nhân viên y tế tiêm xuyên buổi trưa, đồng thời sẽ dừng tiêm cho đến khi hết người. Dự kiến sẽ tiếp tục tiêm tại địa điểm này trong vòng 3 ngày với số lượng hơn 30.000 người", bác sĩ Tuấn cho biết.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, số lượng người tiêm ở Nhà thi đấu Phú Thọ luôn đông ở những điểm tiêm khác là việc nằm trong kế hoạch, vì diện tích ở đây rộng, dự kiến tổng số mũi tiêm được thực hiện là 9.000.
Chú trọng chất lượng tiêm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) nhận định, lý do khách quan làm chậm tiến độ tiêm vaccine Covid-19 tại TP hiện nay là các lực lượng thuộc diện ưu tiên tiêm chủng phải tỏa ra nhiều "trận địa" để phòng, chống dịch, bao gồm nhân sự truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly tập trung...
Ngoài ra, nguyên nhân phổ biến khác là công tác sàng lọc trước tiêm quá mức. Điều này khiến cho số người không được tiêm cũng tăng.
"Đội ngũ y tế sàng lọc quá thận trọng là tình trạng có xảy ra hiện nay. Nhiều người bị bệnh nhẹ, vẫn đạt yêu cầu nhưng cũng phải hoãn tiêm. Thực tế, chúng ta có thể tiêm vaccine cho người có bệnh nền được nếu bệnh đã được kiểm soát", bác sĩ Khanh nói.

 Nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh đang phải ''căng mình'' làm việc hết công sức để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lịch sử tại TP
Để khắc phục tình trạng trên, bác sĩ Khanh tư vấn, TP nên mở song song điểm tiêm lưu động và điểm tiêm ở bệnh viện, cơ sở y tế có chức năng tiêm chủng. Ngoài ra, phải phối hợp với chính quyền tuyên truyền với việc tiêm chủng an toàn, những lưu ý trước, trong và sau tiêm tới đông đảo người dân
Cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến công tác tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh chậm trễ hơn dự kiến. Tuy nhiên, một đại diện của Trung tâm tiêm chủng (VNVC) nhấn mạnh, dù là đơn vị chuyên nghiệp nhưng khi bắt đầu triển khai, các đội hình của VNVC vẫn phải đối diện những bỡ ngỡ, từ cán bộ tiêm chủng đến đơn vị triển khai tiêm chủng đều chưa hình dung hết được kế hoạch tiêm chủng hay những công việc trong thực tế sẽ phát sinh bất ngờ.
“Tâm lý lo lắng khi đi tiêm vaccine mới là không tránh khỏi, do đó cán bộ tiêm chủng cũng thận trọng, khó đẩy nhanh tốc độ. Chưa kể, nhiều nhân viên y tế được huy động tham gia chiến dịch tiêm này chưa từng khám và tiêm vắc xin trước đó, dù được tập huấn trước cũng không thể thuần thục như người có kinh nghiệm nhiều năm. Mỗi khâu chậm một chút sẽ làm chiến dịch tiêm chủng bị chậm đi”, đại diện VNVC phân tích.
Cũng theo vị này, trong tiêm chủng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người được tiêm vaccine. Vì vậy, so với số lượng, chất lượng tiêm chủng an toàn quan trọng hơn.
Bộ Y tế: TP cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Lo lắng trước tiến độ tiêm vaccine tại TP Hồ Chí Minh, sáng 23/6, Bộ Y tế có công văn đề nghị lãnh đạo TP khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp. Bộ cho rằng, TP tiếp nhận hơn 870.000 liều vaccine Covid-19 (bao gồm cả số vaccine đợt 3), song theo báo cáo nhanh đến 22/6 mới tiêm được hơn 50.000 liều (khoảng 69% số vaccine được phân bổ đợt 3 và 6% số vaccine được phân bổ của cả 2 đợt). Theo Bộ Y tế, TP cần đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Được biết, số liệu ban đầu đến hết ngày 23/6, chỉ hơn 100.000 người được tiêm. Sáng 24/6, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh khẩn cấp yêu cầu 17 bệnh viện cử 240 đội, hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân từ chiều cùng ngày. Đến hết ngày 24/6, TP tiêm được hơn 300.000 liều. Hiện TP đang bước vào ngày tiêm thứ 5 (25/6).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần