Chưa có văn bản hướng dẫn
Theo văn bản vừa gửi Chính phủ, đồng thời gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính thừa nhận việc thu phí đường bộ đối với mô tô và xe máy gặp nhiều khó khăn do đây là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí. Nhiều trường hợp chủ xe là sinh viên, người lao động tự do... đăng ký xe ở địa phương này nhưng làm việc và mang xe đến địa phương khác để sử dụng làm phương tiện đi lại.
Đề xuất dừng thu phí đường bộ với mô tô được đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, xử lý thế
nào với khoản tiền đã đóng là câu chuyện đang khiến nhiều người đã nộp loại phí này băn khoăn. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri Hà Nội đã đề nghị các cơ quan chức năng cần có phương án hợp lý để đảm bảo công bằng với những người đã gương mẫu chấp hành việc nộp phí bảo trì đường bộ.
Ông Đỗ Huy Hùng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 5 (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết, từ tháng 2/2015, Tổ dân phố bắt đầu triển khai thu phí bảo trì đường bộ và thực hiện rất tốt. Đến 30/4/2015, Tổ đã thu phí được 333 chiếc xe/337 hộ, đạt trên 80%. Với mức thu 100.000 đồng/xe, nhiều gia đình đã tự giác đóng 400.000 đồng - 500.000 đồng/hộ. Bản thân gia đình ông cũng gương mẫu đóng phí bảo trì cho 3 chiếc xe của nhà. “Đến nay, trước những thông tin về việc dừng thu phí bảo trì đường bộ, người dân thắc mắc rất nhiều về việc liệu số tiền họ đã nộp có được hoàn trả lại nếu chủ trương dừng thu phí được thông qua hay không. Chúng tôi đề nghị, nếu chủ trương dừng thu phí đường bộ được thông qua thì phải có ý kiến trả lời rõ ràng và phương án hợp tình, hợp lý với số tiền chúng tôi đã nộp. Có như vậy mới đảm bảo công bằng với những người chấp hành tốt các chủ trương của Nhà nước” - ông Hùng chia sẻ.
Tính chung cả phường Mễ Trì, đến nay, phường đã thu gần 300 triệu đồng phí bảo trì đường bộ với xe mô tô, gắn máy. Theo ông Hứa Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, đơn vị này đã nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, đến nay chưa có bất kỳ một văn bản nào về việc dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. “Chúng tôi đã gặp gỡ, giải thích và động viên người dân hiểu về việc chấp hành các chủ trương pháp luật. Nếu có văn bản mới, chúng tôi sẽ ngay lập tức thông báo với người dân” - ông Minh nói.
Số thu thấp, bất cập nhiều
Theo số liệu báo cáo tổng hợp từ Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, số tiền thu được từ phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trên cả nước từ 1/1/2013 - 30/6/2015 là hơn 1.279 tỷ đồng. Trong 2 năm 2013 - 2014, số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2015, số phí thu được giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.
Mới đây, trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, Hà Nội là đơn vị đi đầu trong việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, nhận thấy chủ trương này gặp rất nhiều khó khăn như phương thức thu hiện nay giao cho thôn, tổ dân phố nảy sinh nhiều bất cập. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra còn chưa được triển khai hiệu quả. Không ai kiểm tra nên người nộp và người không nộp vẫn bị đánh đồng. “Thực tế qua tiếp xúc cử tri, cũng có nhiều ý kiến về vấn đề này. Chủ trương thu phí này là thẩm quyền của Chính phủ, nhưng mức thu lại do HĐND quy định. Còn quan điểm cụ thể của tôi là nếu Chính phủ bỏ thu phí thì HĐND TP và cử tri Hà Nội rất ủng hộ” - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nêu quan điểm.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Ngô Trí Long cho biết, hiện nay, việc dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe gắn máy vẫn chưa được thông qua. Một số địa phương có nguồn thu lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội… đã dừng hoặc đồng tình với việc dừng thu phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, các địa phương có nguồn thu thấp vẫn thu để bổ sung vào nguồn ngân sách địa phương. “Tiền đã nộp vào ngân sách nên việc hoàn trả lại là rất khó. Khoản thu này đã chi bao nhiêu, tôi không rõ nhưng chắc chắn đã chi một phần. Vì vậy, số thu, số chi cần được công khai đến người dân để bảo đảm tính công bằng trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí” - ông Long phân tích.
Có thể dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy từ tháng 1 /2016. Ảnh: Thanh Hải
|
Cái gốc phải xử lý ở đây là làm sao chính sách đưa ra phải hợp lý, hiệu quả và hợp lòng dân, để không nảy sinh nhiều bất cập như câu chuyện thu phí bảo trì đường bộ. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long |
Mới đây, Sở GTVT và Sở Tài chính TP Hà Nội cũng đã thống nhất đề xuất dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn kể từ ngày 1/1/2016. Trước đó, từ ngày 1/1/2013 đến hết ngày 31/12/2013, tổng số tiền thu cho Quỹ Bảo trì đường bộ của TP Hà Nội là 55 tỷ đồng; năm 2014 thu được 36 tỷ đồng, đạt 13,28% kế hoạch; và trong 6 tháng đầu năm 2015 thu được 3,6 tỷ đồng, đạt 3% kế hoạch đề ra. |