Nhiều ý kiến đã bình luận quanh đề xuất của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và ngành ngân hàng về việc Chính phủ dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, thậm chí việc này còn được ví von như dùng tiền của người nghèo chia cho người giàu!
Lối đi hẹp
Cho đến thời điểm này, VAMC đã được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, song theo ước tính, Công ty cần ít nhất 5.000 - 10.000 tỷ đồng làm vốn mồi để có thể kích hoạt thị trường mua bán nợ hoạt động, kêu gọi các nhà đầu tư (NĐT) tham gia. Trên thực tế, công ty mua bán nợ này hầu như không xử lý được đáng kể khoản nợ nào. Có khoản nợ xấu trị giá 40 tỷ đồng mua của Sacombank, VAMC đâm đơn kiện ra tòa đề nghị được xử lý tài sản đảm bảo nhưng do rắc rối trong thủ tục thế chấp của ngân hàng nên TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy bản án. Trong không ít trường hợp, VAMC không dám bán nợ vì giá thị trường đánh giá dưới giá gốc, bán nợ đồng nghĩa với gây thất thoát tài sản của Nhà nước… Do thủ tục nhiêu khê, nên dù rất quan tâm nhưng các NĐT trong và ngoài nước cũng tỏ ra dè dặt trong việc tìm hiểu mua nợ từ VAMC.
Ngân hàng BIDV là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện tái cơ cấu sáp nhập.Ảnh: Việt Linh |
Với quan điểm phải mua đứt bán đoạn thì nợ xấu mới được xử lý hiệu quả, song TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu trong bối cảnh Việt Nam là không khả thi vì nguồn ngân sách đang rất khó khăn, các khoản dự trữ cũng rất ít. "Tiền chi đầu tư còn không có, lấy đâu ra ngân sách mà xử lý nợ xấu..." - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy, sẽ không dễ dàng để tìm nguồn xử lý nợ xấu. Cũng có ý kiến đề xuất nguồn ngân sách xử lý nợ xấu vẫn có thể xoay xở từ thoái vốn Nhà nước khỏi các tập đoàn, DN nhà nước, vay từ nước ngoài… Nhưng thông điệp mới đây từ Bộ Tài chính cho biết, một phần tiền thoái vốn sẽ được dùng để đầu tư cho các dự án trọng điểm, đã dập tắt hy vọng này.
Hướng đi nào?
Một số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để xử lý nợ xấu hiện nay không thể dùng tiền ngân sách, mà Nhà nước phải sử dụng công cụ thể chế, tức là cơ chế thông thoáng khơi thông thị trường mua bán nợ xấu vốn đang rất bế tắc.
Trong khi đó, không ít chuyên gia lên tiếng, Chính phủ cần phải làm rõ nợ xấu hiện nay nằm chủ yếu ở đối tượng nào, lĩnh vực nào, nguyên nhân ra sao. Từ đó có kế hoạch chi số tiền cho từng nhóm đối tượng cụ thể, tùy theo lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn, nợ xấu lớn nhất nằm ở DN nhà nước (có thể lên tới 60 - 70% tổng lượng nợ xấu), tiếp theo là nợ của khu vực lợi ích nhóm và của khối DN tư nhân. Phương hướng xử lý là ưu tiên xử lý nợ cho các DN có khả năng phục hồi, dựa trên tiêu chí rõ ràng, sau đó là giải cứu nhóm nợ xấu có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, chứng kiến nhiều câu chuyện pháp đình liên quan đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng, luật sư Nguyễn Minh Hải - Công ty Luật TNHH Everest cho rằng, cần phải có cơ chế thông thoáng để xử lý nợ xấu, hay nói đúng hơn là tài sản đảm bảo. Đơn cử như việc bán quyền sử dụng đất của tổ chức, phải có sự đồng ý của địa phương nơi có tài sản đất đai, thậm chí cả các cơ quan có liên quan như tài nguyên môi trường, xây dựng…
Dù theo hướng nào chăng nữa cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm của các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Đã đến nước phải bán nợ cho VAMC, có thể coi là ngân hàng đã bó tay trong việc phối hợp với khách hàng, hỗ trợ để họ có khả năng tái trả nợ. Vì vậy, theo giới chuyên gia, chính các ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên. Một cơ chế chia sẻ trách nhiệm là việc cần thiết hiện nay. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, có thể ngay lập tức ngân hàng chịu đau khi khoản nợ bị chiết khấu mạnh, nhưng về dài hạn sẽ tốt vì họ không phải lo dai dẳng câu chuyện xử lý này. Dù ngân hàng là ngành đặc biệt, trong thời điểm như hiện nay, Việt Nam cũng cần xem xét thận trọng việc dùng tiền ngân sách để cứu ngân hàng.
Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỷ đồng nợ xấu. Con số này thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối năm 2015. Như vậy, có nghĩa trong nửa đầu năm 2016, lượng nợ xấu được bán cho VAMC và lượng nợ xấu VAMC bán đi rất hạn chế. |