Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng, còn quá sớm để nói đến sự ổn định của tỷ giá hối đoái, ngay cả khi VND vẫn đang giữ vững giá trị so với đồng USD. Áp lực VND mất giá trong năm nay vẫn còn rất lớn trước những tác động bên ngoài.
Bớt “ôm” USD
Một trong những nguyên nhân tỷ giá ổn định được cho là vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ, chính sách điều hành tỷ giá trung tâm, giảm lãi suất tiết kiệm USD xuống còn 0%/năm… đã đánh mạnh vào giới đầu cơ, giúp giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD tới nền kinh tế trong nước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, việc găm giữ USD của người dân và DN tại TPHCM đã giảm nhiều so với trước đây. Ông Minh dẫn chứng: Từ tháng 10/2015 đến nay, tỷ lệ huy động USD tại các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã giảm 6,2% so với thời điểm trước đó.
Cụ thể, ba tháng cuối năm 2015 giảm tổng cộng 2,7% và hai tháng đầu năm 2016 giảm mạnh 3,5%. Nhìn nhận thực tế hai tháng cuối năm 2015, tiền gửi DN tại TPHCM có tăng là do hai nguyên nhân.
Thứ nhất, tỷ giá thời điểm đó biến động mạnh nên các DN đã găm USD vì kỳ vọng tỷ giá tăng. Thứ hai, các DN cần giữ USD để thanh toán những giao dịch trong thời điểm cuối năm. “Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ gửi USD của DN cũng đã giảm trở lại. Sau khi NHNN áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới, tỷ giá USD/VND tăng giảm tham chiếu tỷ giá trung tâm do NHNN đưa ra hàng ngày. Hiện tỷ giá USD/VND đã thấp hơn thời điểm cuối năm 2015 khoảng 200 đồng/USD và có thời điểm tỷ giá ngoài thị trường tự do còn thấp hơn tỷ giá ở các ngân hàng, nên các DN cũng đã không còn găm giữ ngoại tệ như trước đây”, ông Minh cho hay.
Lãnh đạo một ngân hàng hiện có lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND cao trên thị trường cho biết, từ đầu năm đến nay, hơn 60% khoản gửi tiết kiệm USD đến thời gian đáo hạn tại các ngân hàng này sau khi được nhân viên tư vấn thì khách hàng đã đồng ý chuyển qua gửi tiết kiệm bằng VND. Vị này nhận định, thời gian tới xu hướng chuyển tiền gửi từ USD sang VND sẽ còn tiếp diễn vì sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD hiện đã lên đến 6% -7%/năm. Cùng với đó, tỷ giá thời gian qua không còn biến động khiến đồng USD bớt hấp dẫn, người dân đã và sẽ bớt “ôm” USD như trước đây. “Giả sử trong năm 2016, VND sẽ tiếp tục mất giá so với USD nhưng cũng không thể lên tới 6% - 7%.
Chính vì thế, việc giữ VND để lấy lãi suất như hiện nay vẫn đảm bảo được giá trị tài sản của mình so với đồng bạc xanh”, vị này nói. Thực tế cũng cho thấy, huy động VND của các ngân hàng tại TPHCM từ đầu năm đến nay tăng khoảng 1,3%, trong khi đó huy động ngoại tệ lại giảm. Theo NHNN, tính chung trên toàn quốc đến cuối tháng 2-2016, huy động USD giảm đến gần 4%.
Sẽ giảm thêm 3% - 5%?
Mặc dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định hạ số lần giảm lãi suất cơ bản đồng USD từ 4 xuống còn 2 lần trong năm 2016; đồng USD đang tiếp tục giảm so với các đồng tiền khác, nhưng các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, điều này chỉ giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá USD/VND, vì FED sẽ sớm tăng lãi suất và đồng nhân dân tệ (NDT) tiếp tục bị phá giá, nên VND vẫn đang chịu áp lực mất giá trong thời gian tới.
Theo bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, năm 2015, VND đã giảm giá trên ngưỡng cam kết của NHNN. Sau đó, nhờ biện pháp điều hành tỷ giá từ NHNN đã giúp thị trường ổn định, giảm áp lực lên VND. “Tỷ giá USD/VND sẽ không tăng mạnh như năm trước vì thị trường đã giảm kỳ vọng, nhưng VND có khả năng mất giá 3% trong năm nay”, bà Izumi Devalier dự báo. Bà Izumi Devalier cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây áp lực lên tỷ giá liên quan đến dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã phục hồi trong năm 2015, nhưng đến cuối 2015 giảm trở lại khi chỉ tương đương 2 tháng giá trị nhập khẩu. Hiện nay, dự trữ ngoại hối vẫn đang giảm nên khả năng chống đỡ cú sốc bên ngoài khá khó khăn. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhập siêu nên thặng dư khó kéo dài. Thâm hụt kép có thể xảy ra vào năm 2016. Cán cân thương mại mất cân đối dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai mỏng đi và tạo thêm áp lực lên cán cân thanh toán.
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Chứng khoán KIS Hàn Quốc, cũng cho rằng mặc dù tỷ giá USD/VND năm 2015 đã được điều chỉnh mạnh, nhưng có thể “cú sốc” tỷ giá sẽ lặp lại. Ông Yun Hang Jin cũng đưa ra nhận định tỷ giá sẽ được điều chỉnh tăng 3% - 5% trong năm 2016.
Theo chuyên gia này, năm nay Trung Quốc được dự báo sẽ có thay đổi về đường lối chính sách đối với việc điều hành tỷ giá. Biến động của đồng NDT sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, nhập siêu từ quốc gia này hiện đang lớn nhất. “USD sẽ không mất giá quá nhiều so với các đồng tiền khác, nhưng cần phải theo dõi thị trường, phải để ý đến cán cân thương mại và dòng vốn bên ngoài.
Vì vậy trong điều hành tỷ giá, ngân hàng trung ương của Việt Nam phải tính toán đến các tác động đa chiều nhằm tối đa hóa lợi ích chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu như kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế vĩ mô bền vững, giảm thiểu gánh nặng nợ nước ngoài và ổn định lãi suất trong nước”, ông Jin khuyến nghị.
60% khoản gửi tại các ngân hàng ở TPHCM đã được chuyển thành VND. (Ảnh: HUY ANH)
|