Tiền Giang: Đảm bảo thông tuyến Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2021

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 8/5, tại tỉnh Tiền Giang, dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cùng các Liên doanh các Nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng cam kết thông xe toàn tuyến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào năm 2021.

 Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những tuyến đường bộ huyết mạch, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án được khỏi công từ năm 2009, có tổng chiều dài hơn 51km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
 Lễ ký kết phụ lục hợp đồng giữa UBND tỉnh Tiền Giang và Liên danh các các nhà thầu dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Trong thời gian 10 qua, Bộ GTVT làm chủ đầu tư nhưng dự án này triển khai chậm, thi công dở dang, làm cho các nhà thầu gặp khó khăn về vốn. Vào giữa tháng 3 năm nay, Chính phủ đã chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang, nhằm thực hiện mục tiêu thông tuyến dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020 và đưa dự án vào khai thác năm 2021.
 Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, từ khi tiếp nhận Dự án từ Bộ GTVT chuyển giao, UBND tỉnh và các Sở Ngành tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt thực hiện khẩn trương các công việc cần thiết.  Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng địa phương đã thực hiện đạt 98%. Hiện nay, Tiền Giang đang giải quyết vấn đề khó khăn về vốn để giúp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
 Sau 10 năm khỏi công, đến nay cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang dang dở.
Đại diện liên doanh nhà thầu, Ông Hồ Minh Hoàng cho biết: “Chúng tôi (tập đoàn Đèo Cả ) được mời làm đại diện liên doanh nhà thầu để tái cơ cấu lại liên doanh sao cho đảm bảo được tiến độ dự án như yêu cầu của chính phủ (thông xe toàn tuyến vào 2021). Thực tế dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn, từ khách quan lẫn chủ quan, mà quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn. Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy được tiềm năng của dự án này, bởi lẽ con đường này sẽ là đường huyết mạch giảm tải cho quốc lộ 1A, không có bất cứ bất đồng lợi ích nào với người dân địa phương. Chính vì thế, bằng kinh nghiệm và năng lực của mình, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành tiến độ theo đúng thời hạn đã cam kết. Mọi khó khăn sẽ dân dần được tháo dỡ trên tinh thần trách nhiệm của các bên”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần