Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển: Nên ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ

Huy Khánh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho cộng đồng DN Việt Nam bị tác động của đại dịch Covid-19 đang đi vào cuộc sống. Để các gói hỗ trợ này phát huy tác dụng một cách tốt nhất, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển về hướng hỗ trợ nào là tốt nhất cho cộng đồng DN.

Ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp dịch vụ
Ông đánh giá như thế nào về chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là chính sách liên quan đến thuế, vốn...?
- Đại dịch Covid-19 gây ra những tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, gần như làm ngưng trệ giao thương kinh tế trên phạm vi toàn cầu... Chính phủ ở mỗi quốc gia đều đưa ra những đối sách phù hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất và hạn chế những tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Tôi thấy Chính phủ Việt Nam phản ứng rất nhanh và phù hợp với tình hình. Để hỗ trợ cho cộng đồng DN Việt Nam, Chính phủ đưa ra rất nhiều gói hỗ trợ về vốn, về thuế giúp cho cộng đồng DN có thêm sức chịu đựng để cầm cự qua giai đoạn khó khăn... Việc Chính phủ hỗ trợ cho cộng đồng DN là việc làm đúng đắn.
Tuy nhiên, do nguồn lực của Nhà nước là có hạn, không thể hỗ trợ cho tất cả, tôi nghĩ cần phải có một cách làm khoa học để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu có một hình thức hỗ trợ nào đó dành cho cộng đồng DN để họ vượt qua khó khăn hiện nay, tôi nghĩ rằng Chính phủ cần phải có hình thức hỗ trợ đặc biệt dành cho cộng đồng DN kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là đối tượng buộc phải dừng hoạt động để phòng chống dịch trong thời gian qua như dịch vụ lưu trú, giao thông, nhà hàng... sau đó rồi mới tới các ngành khác.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển.
DN dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn cho cơ cấu kinh tế của các TP lớn; DN kinh doanh dịch vụ sử dụng lao động cũng không phải ít... Hỗ trợ cộng đồng DN kinh doanh dịch vụ và bị buộc phải dừng hoạt động để chống dịch hoặc phải dừng hoạt động vì không có khách hàng... là nhắm đến nhiều mục tiêu, giúp DN vượt qua khó khăn hiện tại, giúp họ nuôi được lực lượng lao động có tay nghề để chờ cơ hội hồi phục khi dịch bệnh qua đi. Hỗ trợ cộng đồng DN kinh doanh dịch vụ còn có ý nghĩa an sinh xã hội sâu sắc.
Thiết thực nhất theo tôi đó là DN nào có nợ thì được giãn nợ, hỗ trợ DN không nợ nuôi người lao động, giữ người lao động... Để làm được phải có sự vào cuộc của cả hệ thống, hệ thống ngân hàng có vai trò to lớn trong việc này. Ngân hàng cũng là loại hình DN kinh doanh vốn, vốn họ cho vay chính là vốn họ huy động từ khách hàng. Ngân hàng Nhà nước phải tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại để họ có thể giãn nợ, khoanh nợ cho khách hàng.
Phải làm rõ các vị trí ưu tiên nhận hỗ trợ, DN nhận hỗ trợ để họ tiếp tục phát triển và tạo sự ổn định kinh tế cho xã hội... Các gói hỗ trợ kéo dài trong bao lâu, lộ trình thực hiện như thế nào cần phải tính toán cân đối giữa khả năng của ngân sách và sự thích ứng của cộng đồng DN. Nếu các gói hỗ trợ quá mức cần thiết sẽ tạo ra sự ỷ lại trong cộng đồng DN, đặc biệt là những DN yếu kém.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT về tình hình đăng ký DN đã giảm mạnh, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh 33,6% so với cùng kỳ 2019… Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
- Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế này, tôi thấy nổi lên một vấn đề, được nhiều người người đề cập đó là tình trạng DN đóng cửa. Tình trạng DN đóng cửa được xem như một chỉ dấu về tình trạng khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, DN buộc phải đóng cửa... Theo tôi, không nên quá lo lắng về tình trạng DN nhỏ buộc phải dừng hoạt động, thậm chí là phá sản.
Mỗi năm, chúng ta có cả trăm nghìn DN nhỏ được thành lập và cũng sẽ có cả trăm nghìn DN nhỏ phải dừng hoạt động. Chúng ta phải chấp nhận sự thanh lọc, kinh tế thị trường là như vậy. Đặc trưng của DN nhỏ là thành lập dễ dàng và biến mất cũng khá đơn giản, thành lập làm ăn không hiệu quả thì dừng hoạt động hoặc chuyển đổi.
Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay càng đẩy nhanh tiến trình buộc các DN nhỏ hoạt động không hiệu quả phải dừng hoạt động. Nên nhớ, trong cả trăm nghìn DN nhỏ thì mới có một DN đủ sức, đủ tầm nhìn để phát triển thành một DN có thương hiệu.
Ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản hoặc châu Âu tình hình cũng giống ở Việt Nam, mỗi năm đều có hàng trăm nghìn DN thành lập mới và cả cũng có từng đó DN sẽ biến mất khỏi thương trường.
Thực ra không hẳn là không quá đáng lo về tình trạng DN buộc phải dừng hoạt động hàng loạt, tuy nhiên các chỉ số về DN giải thể, dừng hoạt động không phải là một chỉ số đáng tin cậy và nó không nói lên được bản chất của vấn đề. Nếu chứng minh được rằng các DN buộc phải dừng hoạt động trong thời gian qua là những DN đã có lịch sử, họ đã tồn tại lâu dài, trải qua các biến động khác nhưng phải gục ngã trong đại dịch... thì con số đó mới đúng là đáng lo ngại.
Có một chỉ số tin cậy hơn mà các nhà điều hành chính sách kinh tế vĩ mô sử dụng đó là các chỉ số về tỷ lệ lao động có việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc là chỉ số phản ánh rõ ràng và chính xác nhất về tình trạng của nền kinh tế, tỷ lệ lao động thất nghiệp càng thấp thì nền kinh tế đang vận hành trơn tru, tỷ lệ lao động có việc làm thấp thì đó là dấu hiệu của nền kinh tế có vấn đề...
Tập trung tạo môi trường kinh doanh tốt và đầu tư hạ tầng
Ông nghĩ gì về sức chống chịu của DN Việt Nam trước những điều kiện bất lợi, thấy rõ nhất qua đại dịch Covid-19 lần này?
- Sức chống chịu của cộng đồng DN là thành quả của một quá trình phát triển lâu dài và bài bản, trong đó có vai trò của các chính sách điều hành là rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà cộng đồng DN ở quốc gia A có sức chống chịu trước những biến động tốt hơn cộng đồng DN ở quốc gia B, sức chống chịu là kết quả của quá trình phát triển và trui rèn.
Sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho cộng đồng DN là cần thiết nhưng về lâu dài, với vai trò của Chính phủ, tôi nghĩ không nên tập trung công sức vào việc tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho cộng đồng DN, thay vào đó Chính phủ chỉ cần tập trung làm tốt 2 việc.
Việc thứ nhất là tạo ra một môi trường kinh doanh, làm ăn thuận lợi và minh bạch để cộng đồng DN thi thố tài năng, tránh tình trạng xin cho. Việc thứ 2 cần làm là tập trung đầu tư vào hạ tầng, hạ tầng tốt sẽ giúp DN hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của từng DN nói riêng và của nền kinh tế quốc gia nói chung.
Thưa tiến sĩ, ông có thể đưa ra một dự báo là bao giờ nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục lại mức như trước đại dịch?
- Nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư FDI. Nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh và mạnh trong giai đoạn 2017 - 2019. Tôi nghĩ, khi các thị trường chính của Việt Nam cơ bản giải quyết xong các vấn đề về dịch bệnh, họ mở cửa trở lại thì kinh tế Việt Nam sẽ trở lại mức trước khi có dịch.
Tôi nghĩ thời gian tối đa là 6 tháng để nền kinh tế Việt Nam hồi phục hoàn toàn và trở lại với điểm xuất phát trước đại dịch, đó là dự báo tôi nghĩ không phải là quá lạc quan chủ nghĩa mà nó có cơ sở khoa học.
Xin cảm ơn ông!
Tôi nghĩ thời gian tối đa là 6 tháng để nền kinh tế Việt Nam hồi phục hoàn toàn và trở lại với điểm xuất phát trước đại dịch, đó là dự báo tôi nghĩ không phải là quá lạc quan chủ nghĩa mà nó có cơ sở khoa học.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần