Tiến sỹ công nghệ về từ Mỹ và “vị bác sỹ tại gia” 0 đồng mùa Covid-19

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trở về từ Silicon Valley (Mỹ), Tiến sỹ công nghệ thông tin Trần Hùng nhận thấy, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến hệ thống y tế tại nhiều điểm nóng trở nên quá tải. Trước tình hình này, ông đã cùng các cộng sự xây dựng App “Giúp tôi!” tư vấn, trợ giúp y tế, chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dân hoàn toàn miễn phí.

Đưa công nghệ vào hỗ trợ ngành y tế

“Giúp tôi!” là một dự án phi lợi nhuận và là thành viên của Trung tâm công nghệ Phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Dự án được khởi xướng từ liên minh 4 đơn vị gồm Công ty TNHH Steam for Việt Nam, Công ty TNHH GotIt! Việt Nam, Công ty Cổ phần Kompa Group và Công ty Cổ phần Filum. Mục đích của dự án nhằm chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Trung tâm đổi mới sáng tạo (Bộ Kế hoạch đầu tư).

 Founder '''Giúp tôi!'' - tiến sĩ Trần Hùng

Ứng dụng này giúp kết nối bác sĩ để người dân có thể được tư vấn giúp đỡ từ xa trong việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Sau khi tải ứng dụng từ Google Play hoặc Apple Store, mỗi khi cần được tư vấn trực tiếp từ các y bác sĩ hay các chuyên gia, người bệnh hoặc gia đình chỉ cần bấm nút để được kết nối tức thời và nhận sự trợ giúp thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi video. Mạng lưới hàng nghìn y bác sĩ và chuyên gia của “Giúp tôi!” được đào tạo theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có thể hỗ trợ bệnh nhân 24/7 hoàn toàn miễn phí.

Theo nhà sáng lập Trần Hùng, “Giúp tôi!” ra đời nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ban, ngành cùng hơn 100 tình nguyện viên từ Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Chỉ trong 4 tuần kể từ khi bắt đầu, ứng dụng “Giúp tôi!” đã ra mắt đáp ứng nhu cầu cấp thiết để hỗ trợ số lượng bệnh nhân Covid-19 đang ngày một tăng và giúp giảm tải áp lực lên các y bác sĩ ở tuyến đầu. Phần lõi của ứng dụng được kế thừa từ ''Got It!'' – nền tảng kết nối người học với chuyên gia, được hàng triệu người sử dụng. Nhờ đó, việc xây dựng app Giúp tôi! cũng được thực hiện một cách nhanh nhất và có thể đáp ứng số lượng lớn người bệnh.

 App ''Giúp tôi!''

Với hình thức là một dự án phi lợi nhuận, phục vụ cộng đồng, thách thức lớn nhất của “Giúp tôi!” là cần có đội ngũ đông đảo các y, bác sĩ tình nguyện. Các y, bác sĩ này cần đáp ứng được cả về chuyên môn và số lượng, để phục vụ bệnh nhân nếu nhu cầu tăng cao.

“Ngay sau khi đưa vào sử dụng, “Giúp tôi!” đã có hàng nghìn lượt tải về và đăng ký sử dụng. Tuy nhiên chúng tôi chưa dám công bố rộng rãi vì số lượng bác sĩ chưa đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Hiện dự án đang kêu gọi mạnh mẽ sự chung tay của các tình nguyện viên y tế trên cả nước, các bác sỹ, chuyên gia y tế ở tất cả chuyên khoa cũng tham gia với “Giúp tôi!” để giúp hỗ trợ y tế mọi lúc, mọi nơi và nhanh nhất, cho nhiều người dân đang cần trợ giúp trong đại dịch. Chỉ một cuộc gọi ít nhất trong 15 phút là bạn đã giúp được 1 người” – anh Hùng chia sẻ.

Giảm tải áp lực

Cũng theo ông Trần Hùng, điều khác biệt lớn nhất của App “Giúp tôi!” đang tập trung triển khai là tính năng kết nối giữa người cần được hỗ trợ và người có thể giúp. Theo đó, đối tượng mà ứng dụng hướng tới là kết nối nguồn lực các F0 đã khỏi bệnh, đặc biệt là nhân viên y tế đang bị cách ly tư vấn, hỗ trợ cho các F0 và F1 khác, thông qua chính trải nghiệm và kiến thức của họ. Các nhân viên y tế đang là F0 và phải cách ly vài tuần, là lực lượng nhàn rỗi của ngành y mà hiện chưa có ứng dụng nào tận dụng và kết nối họ được với nhau để giúp các F0, F1 khác trong cộng đồng. Ngoài ra, còn 1 nhóm nữa rất đông người dân đang có nhu cầu trợ giúp y tế mà chưa được hỗ trợ, đó là những bệnh nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế và bệnh nhân bệnh mãn tính, phải thăm khám bác sỹ định kỳ nhưng không đến bệnh viện được. Họ sợ bị nhiễm Covid-19 hoặc do các bệnh viện quá tải vì phải thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ở phía các y, bác sĩ, bất cứ khi nào có thời gian, họ có thể bật ứng dụng và chờ đợi yêu cầu từ người bệnh. Cách làm này giúp các bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân linh hoạt dù họ ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Do đó, nền tảng “Giúp tôi!” đóng vai trò giảm tải áp lực lên hệ thống y tế bằng cách huy động mạng lưới chuyên gia y tế ở khắp mọi nơi để trợ giúp cho những bệnh nhân nhẹ hoặc các trường hợp tiếp xúc gần. Các y, bác sĩ luôn có thể tham gia chống dịch từ xa thông qua việc hỗ trợ các bệnh nhân nhẹ tại các điểm nóng.

“Giúp tôi!” đang nỗ lực kêu gọi tình nguyện viên là các chuyên gia, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành để tham gia hỗ trợ tư vấn y tế. Để đảm bảo chất lượng, an toàn trong từng cuộc gọi, các F0 làm nhiệm vụ tư vấn trong hệ thống "Giúp tôi!" phải được xác minh, sàng lọc và hỗ trợ đào tạo, huấn luyện bài bản và tuân thủ chuẩn mực.

(Bác sỹ Phan Thị Ngọc Linh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải tiến Y tế - Thành viên Ban cố vấn Dự án)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần