Tiến sỹ kinh tế khởi nghiệp với Blockchain

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời cuối năm 2016, Công ty CP Công nghệ Tomochain Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong hai công ty thành công nhất trong lĩnh vực Blockchain ở Việt Nam.

Người thuyền trưởng chèo lái “con thuyền” này chính là CEO Vương Quang Long - một tiến sỹ kinh tế nhưng lại có đam mê về công nghệ.
Người đi tiên phong

Điều hành một DN công nghệ Blockchain, nhưng CEO Vương Quang Long lại có xuất phát điểm là dân nghiên cứu kinh tế. Anh từng học thạc sỹ kinh tế ở Hà Lan trước khi sang Mỹ để lấy bằng tiến sỹ vào năm 2008. Kể về cơ duyên đến với Blockchain, anh Long cho biết: Trong thời gian học tiến sỹ, anh tham gia thành lập NEM – một trong những dự án Blockchain thành công của người Việt. Tuy nhiên, cuối năm 2014, anh phải rút khỏi dự án để hoàn thành chương trình tiến sỹ và trở về Việt Nam. Về Việt Nam, anh tiếp tục gây dựng một dự án thương mại điện tử, song dự án không đạt các mục tiêu đề ra, sau khi “khai tử” dự án này, Long sáng lập Tomochain để khai thác tiềm năng của công nghệ Blockchain.
 Giám đốc Công ty công nghệ Blockchain Tomochain Vương Quang Long.
Ban đầu Tomochain muốn xây dựng một hệ ứng dụng trên nền tảng Ethereum. Nhưng trong quá trình xử lý với Ethereum, Long nhận thấy nền tảng này không đủ các điều kiện kỹ thuật (như tốc độ chậm, chi phí cao) để xử lý những giao dịch liên quan tới hàng chục nghìn người dùng. Vì thế, đội ngũ Tomochain chuyển sang xây dựng hạ tầng. Hạ tầng của Tomochain cho phép mọi người thực hiện hai mục tiêu: Phát hành các token (tiền điện tử) và xây dựng ứng dụng phi tập trung. “Người ta có thể phát hành những token có giá trị ổn định – chẳng hạn như mặc định giá trị một token tương đương một gram vàng hay một USD hay một thùng dầu. Khi token lưu hành trên nền tảng của Tomochain, chúng sẽ có tính thanh khoản cao và mọi người có thể giao dịch, trở thành dạng token được bảo đảm bằng tài sản” - CEO Vương Quang Long giải thích. Các DN cũng có thể sử dụng nền tảng của Tomochain để phát hành trái phiếu dưới dạng token. Sau đó, các nhà đầu tư có thể giao dịch, trao đổi trái phiếu ở thị trường thứ cấp, tạo nên tính thanh khoản. Khi mọi người có thể trao đổi token dễ dàng, việc DN huy động vốn sẽ trở nên đơn giản.

Là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên trong kỷ nguyên Blockchain ở Việt Nam nên CEO Vương Quang Long gặp không ít thách thức. Bởi khi ở điểm khởi đầu của kỷ nguyên công nghệ mới sẽ không có nhiều người có đủ kinh nghiệm để học hỏi, khả năng tiếp cận thị trường khó khăn hơn do Blockchain không phải là công nghệ dễ hiểu và hệ thống chính sách liên quan còn chưa rõ ràng, nhân sự ngành khan hiếm...

Tăng số lượng người dùng quốc tế

Bất chấp những khó khăn, hồi đầu năm 2018, Tomochain phát hành 50 triệu đồng Tomo trên toàn thế giới, thu hút 8,5 triệu USD từ 50 tổ chức trong và ngoài nước. Sứ mệnh chính của Tomochain là xây dựng những công cụ để các lập trình viên làm việc với nền tảng của công ty, đồng thời xây dựng các công cụ hỗ trợ để nền tảng Tomochain hoạt động trơn tru.

Một trong những ứng dụng thực tiễn của Tomochain ở thời điểm hiện tại bao gồm số hóa các tài sản thực như bất động sản, vàng, hàng hóa… để xây dựng chợ giao dịch các tài sản kỹ thuật số. Những ứng dụng khác có thể kể đến như tích hợp token vào các ngành như chăm sóc sức khỏe, quản trị chuỗi cung ứng, năng lượng… để tiếp cận với khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Điểm mạnh mà CEO Vương Quang Long tạo dựng cho Tomochain là cộng đồng người dùng quốc tế. Mỗi khi sản phẩm xuất hiện, cộng đồng người dùng khắp thế giới đều có thể sử dụng. Nếu một DN phát hành token trên Tomochain, họ có thể giao dịch token. Nếu công ty tăng lợi nhuận và giá trị cho cộng đồng, giá token của họ sẽ tăng.

Vị Giám đốc của Tomochain nhấn mạnh rằng, Blockchain có ưu thế vượt trội với hoạt động lập sàn giao dịch, truy xuất nguồn gốc, vận hành chuỗi cung ứng, hệ thống tài chính minh bạch, bảo mật cao, nên tạo ra niềm tin đối với những người tham gia những sàn giao dịch, chuỗi, hệ thống.

Ngoài Đông Nam Á, công ty xác định Nhật Bản sẽ là thị trường trọng tâm của Tomochain, đặc biệt trong mảng phát triển DN. Công ty đã mở văn phòng ở Nhật Bản, tổ chức nhiều sự kiện, cuộc gặp để tiếp xúc với giới DN Nhật Bản. Tới thời điểm cuối tháng 11, Tomochain đã liên kết với hơn 10 DN để thử nghiệm hệ thống mà họ công bố chính thức vào tháng 12. Theo kế hoạch, trong năm 2019, công ty sẽ có những sản phẩm dành cho người dùng cuối.

"Hiện nay số lượng người sử dụng thường xuyên của Tomochain dao động từ 10.000 - 20.000 người. Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2019 là tiếp tục tăng con số này. Cánh cửa thành công đang mở rộng với các startup về Blockchain. Vấn đề là các startup khai thác Blockchain được đến đâu, hiệu quả đến mức độ nào." - CEO Vương Quang Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần