Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiến sỹ trẻ với đam mê quảng bá du lịch Việt

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là một tiến sỹ tâm huyết với bục giảng, Nguyễn Trung Thành (SN 1987) - giảng viên trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội còn “biến” mình thành thành một doanh nhân trong lĩnh vực du lịch.

Khởi nghiệp mới được gần 6 năm, song công ty do anh lập ra đã giúp anh thỏa mãn ước mơ quảng bá tiềm năng du lịch Hà Nội, Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Đam mê cháy bỏng

25 tuổi, trong khi nhiều bạn còn đang loay hoay tìm đường đi cho mình, thì Nguyễn Trung Thành đã nhận bằng tiến sỹ chuyên ngành Tài chính tại Mỹ. Anh về Việt Nam, đầu quân cho Khoa Tài chính – Ngân hàng của trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội. Sự năng nổ và nhiệt huyết của tiến sỹ trẻ đã được đồng nghiệp đánh giá cao và đặt cho anh biệt danh “Thành Pro” (Professional). Vậy nhưng, chàng giảng viên này còn nuôi sở thích đi du lịch và muốn giới thiệu với bạn bè thế giới về những danh lam thắng cảnh của đất nước mình.
 Nguyễn Trung Thành trao đổi công việc cùng đồng nghiệp (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh chia sẻ, đam mê này được anh ấp ủ từ khi còn là sinh viên ngồi trên giảng đường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngay tại thời điểm đó, Thành đã lập riêng cho mình kế hoạch để có thể theo đuổi con đường du lịch. Trong đó, anh đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng những
Để có thể hoạt động tốt trong lĩnh vực du lịch, Công ty Duy Thành luôn chú trọng đến việc thiết kế những chương trình du lịch đặc biệt nhằm thu hút lượng khách du lịch quốc tế trong và ngoài nước đến với Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, Chương trình Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Vì; Khu danh thắng Hương Sơn; khu vực núi Sóc – hồ Đồng Quan…
chương trình tour độc và lạ để có thể quảng bá hình ảnh của Hà Nội đến mọi người. Có lẽ cũng tại bản thân là một người Hà Nội, nên trong ý tưởng du lịch của mình, Thành luôn muốn “bày” trước mắt du khách quốc tế những công trình kiến trúc được xây dựng lâu đời hay các di tích văn hóa lịch sử có giá trị như: Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Để thực hiện ước mơ của mình, năm 2012, Thành đã thành lập Công ty CP tư vấn Duy Thành (Công ty Duy Thành) với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là hoạt động lữ hành du lịch. Đây vừa để thực hiện ước mơ đi đến những vùng đất mới, vừa có thể quảng bá cho Hà Nội ngàn năm và Việt Nam giàu tiềm năng du lịch.

Vượt khó đến ước mơ

Rất chân thành, Thành chia sẻ, là một DN trẻ kinh doanh lữ hành và thành lập sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cùng với các công ty lữ hành khác thì Công ty Duy Thành cũng gặp nhiều thuận lợi. Thứ nhất, các chính sách vĩ mô đã tạo điều kiện cho công ty phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh. Thứ hai, UBND và HĐND TP Hà Nội đã thông qua quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 với các sản phẩm du lịch đa dạng như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Điều này đã giúp Duy Thành xây dựng được nhiều chương trình tour khách nhau và đưa hàng ngàn khách nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc…) đến Thủ đô. Thứ ba, Hà Nội đã xây dựng rất nhiều khách sạn, khu du lịch cao cấp, gia tăng số lượng phòng khách sạn và những sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế. Công tác xúc tiến, quảng bá cũng được TP quan tâm nên lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng tăng. Công ty anh cũng nhờ vậy triển khai được các tour du lịch thăm quan Thủ đô đối với khách nội địa cũng như quốc tế. Thứ tư, được sự hỗ trợ của Sở Du lịch Hà Nội, Công ty Duy Thành đã kết nối được với các công ty lữ hành khác thông qua các cuộc đối thoại, trao đổi và giao lưu. Bên cạnh đó, Sở cũng có những chương trình kích cầu du lịch giúp các công ty lữ hành hoạt động kinh doanh tốt và Công ty Duy Thành không phải là một ngoại lệ.

Dẫu vậy, một DN trẻ cũng không thể tránh khỏi những khó khăn. Ở tuổi đời đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nên năng lực cạnh tranh của công ty chưa cao và việc tiếp cận thị trường còn hạn chế. Hơn thế, Việt Nam là một nền kinh tế mở, đặc biệt là sau khi trở thành thành viên của WTO thì sự cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. Đây không đơn thuần là cạnh tranh của các DN trong nước mà còn là sự cạnh tranh đến từ các công ty nước ngoài. Vì vậy, Duy Thành luôn phải đổi mới và huấn luyện nhân viên để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

Hỏi Thành làm thế nào để cân bằng được việc giảng dạy với kinh doanh, anh cười: Cái hay của nghề giảng viên là truyền tải được những kiến thức mà mình có đến sinh viên. Cái tốt của làm kinh doanh là tích lũy được kinh nghiệm quản lý thực tế. Biết cách kết hợp giữa việc chia sẻ, truyền tải kinh nghiệm quản lý cũng như các tình huống thực tế xảy ra trong DN đến sinh viên sẽ giúp họ có thêm hành trang khi đi làm. Với vai trò là giảng viên chuyên ngành tài chính và là CEO của một công ty du lịch, Thành luôn cố gắng thu xếp thời gian để hoàn thành tốt cả hai công việc. Đồng thời, trong những bài giảng của mình, anh thường chia sẻ với sinh viên về những vấn đề tài chính mà công ty gặp phải như: việc cân đối giữa doanh thu và chi phí để đảm bảo lợi nhuận của DN; việc xác định các dòng tiền của dự án mà công ty đang triển khai; việc xác định vốn cố định hay vốn lưu động cho công ty trong từng giai đoạn... “Với đam mê và nhiệt huyết của nhà giáo, tôi mong các bạn sinh viên có một hành trang lý thuyết và thực tế khi tốt nghiệp ra trường” - Thành cho biết.

… và góp phần chắp cánh du lịch Việt

Nhìn nhận về tiềm năng du lịch của Thủ đô, chàng tiến sỹ trẻ cho biết, Hà Nội là trung tâm văn hóa – chính trị - kinh tế - xã hội với bề dày lịch sử hơn 1.000 năm tuổi. Nơi đây cũng tập trung nhiều di sản văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội và ẩm thực của cả nước. Vì vậy, đây là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch nội địa và quốc tế.

Đồng thời, với quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, Hà Nội đã đưa ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn và cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Điều này đã giúp các công ty du lịch xây dựng được những tour du lịch kết nối Hà Nội với nhiều điểm du lịch nổi tiếng, các điểm di sản khác của Việt Nam và kết hợp được nhiều điểm của các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar… Ngoài ra, Hà Nội có rất nhiều công trình, di tích văn hóa lịch sử như: Công trình con đường gốm sứ, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, khu di tích Hương Sơn, làng cổ Đường Lâm... đây được coi là điểm nhấn đối với du khách quốc tế khi đến Hà Nội.

Cũng theo nhìn nhận của anh Thành, bên cạnh tiềm năng, du lịch Thủ đô đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, anh rất muốn đồng hành cùng các công ty du lịch tìm ra những con đường thu hút khách du lịch đến Hà Nội nhiều hơn. Thành cho rằng, cần phải tăng cường cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống phòng khách sạn để đảm bảo cung – cầu vào mùa cao điểm trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, chi phí cho quảng bá du lịch còn thấp nên cần học tập cách quảng bá du lịch của Thái Lan, Malaysia hay Singapore để có được những chiến lược quảng bá hình ảnh phù hợp đến bạn bè quốc tế. Ngoài ra, Hà Nội cần tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo khoa học cũng như các chuyên đề và chương trình chuyên sâu về các di sản văn hóa như: Thuyết minh toàn bộ di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long với tiêu chí thể hiện sự sống động của văn hóa Hà Nội theo chiều dài lịch sử 1.000 năm. Đồng thời, tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ du lịch, quảng bá hình ảnh và thương hiệu du lịch Hà Nội cũng như kết nối các công ty lữ hành.