Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiến tới công khai giá điện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định 28/2014/QĐ - TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, cuối tuần qua (ngày 30/5), Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4887/QĐ - BCT quy định giá bán điện áp dụng cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và các đơn vị bán lẻ điện.

Theo đó, từ ngày 1/6, giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), bằng với giá điện bình quân áp dụng từ ngày 1/8/2013 đến nay.

Tạo sự thống nhất

Trước đó, từ ngày 1/8/2013, giá điện đã tăng thêm 71,85 đồng/kWh (tăng khoảng 5%), từ mức 1.437 đồng/kWh lên 1.508,85 đồng/kWh.

Cũng theo quyết định mới của Bộ Công Thương, giá bán điện sinh hoạt sẽ được chia làm 6 bậc thay vì 7 bậc như trước. Theo đó, giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp (từ 110kV trở lên, từ 22kV đến dưới 110kV, từ 6kV đến dưới 22kV và dưới 6kV) được quy định: Bậc 1 (mức sử dụng từ 0 - 50 kWh) có giá 1.388 đồng/kWh; bậc 2 (từ 51 - 100 kWh) là 1.433 đồng/kWh; bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) là 1.660 đồng/kWh; bậc 4 (từ 201 - 300 kWh) là 2.082 đồng/kWh; bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) là 2.324 đồng/kWh và bậc 6 (từ 400 kWh trở lên) là 2.399 đồng/kWh.

 
Vận hành cấp điện tại trạm 110kV Bờ Hồ. Ảnh: Ngọc Hà
Vận hành cấp điện tại trạm 110kV Bờ Hồ. Ảnh: Ngọc Hà
Theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, giá điện bình quân không thay đổi nhưng sẽ được áp dụng thống nhất trên cả nước, chấm dứt tình trạng nơi áp dụng mức thấp, nơi áp dụng mức cao như trước đây.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đang triển khai việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Theo đó, mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 42.000 đồng/hộ/tháng (30 kWh x 1.508,85 đồng/kWh x 92%). Khi có điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Tài chính sẽ thông báo mức hỗ trợ để UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện. Phương thức hỗ trợ sẽ được chi trả trực tiếp cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, theo hình thức hỗ trợ bằng tiền, chi trả đến hộ gia đình theo từng quý, với mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt là 126.000 đồng/hộ/quý (42.000 đồng/hộ/tháng x 3 tháng).

Dần công khai, minh bạch

Để công khai, minh bạch giá điện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) giai đoạn 2013 - 2015, theo đó, giá sàn sẽ là 1.437 đồng/kWh và giá trần 1.835 đồng/kWh. Ngày 22/4/2014, Bộ Công Thương cũng đã ra Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường, bao gồm giá bán điện và giá truyền tải, báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán) và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc trích lập và sử dụng các quỹ; các khoản đóng góp cho ngân sách Nhà nước; các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động; thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng của năm trước liền kề đối với từng viên chức quản lý doanh nghiệp…

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề người tiêu dùng quan tâm  hiện nay không chỉ là có tăng giá điện hay không mà quan trọng hơn là giá điện phải minh bạch để bảo đảm quyền lợi cho cả nền kinh tế, nhà sản xuất lẫn người sử dụng điện. Thực tế, giá thành sản xuất điện cao trong khi việc điều chỉnh giá bán điện chưa thực sự theo thị trường đã gây không ít khó khăn, tạo áp lực lớn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong nhiều năm qua. Vì vậy, việc công khai thông tin về giá điện là việc làm cần thiết và có lợi cho ngành điện. Bởi lẽ, nếu giá thành sản xuất được công khai, minh bạch sẽ giúp khách hàng giám sát được một cách rõ ràng các chi phí đầu vào của EVN để có cơ sở cho việc tính toán giá bán điện. Khi đó, nếu giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, sẽ tránh được những thắc mắc, hoài nghi không đáng có.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Cục sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị phân công thực hiện các công việc cụ thể liên quan tới nội dung, thời gian công khai, minh bạch đối với giá điện, các yếu tố cấu thành giá điện và việc điều chỉnh giá điện như yêu cầu của Bộ Công Thương. Công việc này cũng góp phần giúp thị trường điện Việt Nam hướng tới cạnh tranh lành mạnh, đồng thời với việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội.