Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền Việt tiêu ở xứ người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhu cầu mua tour đi nước ngoài (outbound) của người dân gần đây tăng đột biến. Thậm chí, tại nhiều công ty du lịch, tỷ lệ khách Việt Nam du lịch nước ngoài còn cao hơn du lịch trong nước.

Mặc dù đây là dịch vụ "đem tiền ra nước ngoài", nhưng các nhà điều hành tour vẫn coi đó là thị trường chiến lược.

Tiền Việt tiêu ở xứ người - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Đi tìm căn nguyên mới thấy, không chỉ giá các tour du lịch ở nước ngoài tương đối phù hợp với thu nhập của khách hàng trong nước mà dịch vụ tại các điểm đến này lại rất tốt, nhiều chương trình vui chơi giải trí, mua sắm hấp dẫn... Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ cũng thấy, chẳng hạn, với lượt bay từ Hà Nội vào TP. HCM và trở ra đã mất khoảng 200 USD. Nhưng chỉ với khoảng 300 USD khách hàng đã được "xuất ngoại" sang Thái Lan 5 ngày 4 đêm, với chất lượng phòng ngủ, bữa ăn khá đảm bảo. Vì thế, ngay cả thời điểm kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao nhưng các tour outbound vẫn luôn đông khách. Một trong những điểm đến thường xuyên bị "cháy tour" là Trung Quốc, Hông Kông, Macau, Singapore... Vì ở đây có những thắng cảnh đẹp, là "thiên đường mua sắm" và đặc biệt, giá thành các tour này chỉ ngang với tour nội địa, thậm chí rẻ hơn.

Càng đi ra nước ngoài càng thấy người ta làm du lịch chuyên nghiệp và không ít người lại buồn khi nhìn lại sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Thực tế ở nước ngoài, chưa chắc cảnh đã đẹp bằng ở Việt Nam. Ví như bãi biển Pattaya không thể đẹp bằng nhiều bãi biển Việt Nam... nhưng nhiều dịch vụ của họ lại tốt hơn, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, sự đầu tư cho du lịch đồng bộ, công phu và liên tục đưa ra những sản phẩm du lịch mới, các đợt giảm giá mua sắm nên không chỉ thu hút du khách quay lại mà còn "móc" được hầu bao của du khách. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam là điểm đến rất hấp dẫn với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp nhưng do thiếu sự đầu tư đồng bộ từ hạ tầng đến dịch vụ, các sản phẩm cho du lịch vừa nghèo nàn, vừa đơn điệu. Và khi những hạn chế đó càng chậm được khắc phục cũng đồng nghĩa với việc hàng ngày có một phần không nhỏ tiền Việt vẫn được mang đi tiêu ở "xứ người".