Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếng cười con trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nhà anh chị chơi, tôi thực sự thú vị nhưng cũng đầy ngạc nhiên khi thấy 2 đứa trẻ đang mê mải “rải ranh” ô ăn quan trên nền nhà.

Căn nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi mà âm vang tiếng cười như nắc nẻ - tiếng cười mà tôi có cảm giác lâu lắm mới gặp lại, có lẽ là từ thời lũ trẻ quê chúng tôi đùa nghịch trên triền đê lúc ban chiều. Điều này thật hiếm hoi giữa cuộc sống đô thị hối hả hôm nay.

Anh chị kể, họ đã dành ra nguyên một ngày cuối tuần đưa con về quê thăm hỏi họ hàng và học cách chơi những trò “ngày xưa” của ba mẹ. Họ đã cùng con đi kiếm những hòn sỏi trăng trắng nằm rải rác trên đường quê thay vì bỏ tiền mua những viên sỏi nhân tạo mà người TP vẫn dùng để “lát” cho bồn cây cảnh trong nhà. Họ đã có một buổi chiều cùng con ngồi bệt trên hiên nhà rải ô ăn quan trên “bàn chơi” vẽ bằng gạch đỏ… Bọn trẻ háo hức và sung sướng, khác hẳn với những lần được tặng quà là ô tô chạy bằng pin hay các bộ lego đắt tiền.  Và chúng đã tự sáng tạo trò chơi ấy khi mang sỏi từ quê ra TP, lấy giấy kẻ ô bằng bút màu rồi "rải ranh" lên đó, cùng đếm sỏi rồi cười mỗi ngày… Anh chị còn kể, họ cũng đã đưa chúng ra ngoài đồng buổi chiều xem lũ trẻ quê thả diều, chơi khăng. “Mình bảo bọn trẻ con, nếu chăm học, ba mẹ sẽ thưởng cho những trò chơi ấy, bọn trẻ mừng ra mặt” - anh “khoe”.      

Tôi hiểu, trò chơi ấy là một sự kỳ công đầy ý nghĩa trong cách dạy con học và chơi của họ. Trẻ TP bây giờ thụ động với những trò chơi thời công nghệ, cứ như dần mất đi cái hồn nhiên của lứa tuổi; trẻ TP bây giờ không biết gì về những trò chơi dân gian truyền thống hiền lành và sáng tạo - những thứ được coi là nét đẹp văn hóa mang hồn dân tộc… Người lớn vẫn biết thế, lo lắng thế và phàn nàn vậy. Người lớn cũng đã tìm khuôn viên bảo tàng, công viên, lễ hội để đưa trò chơi truyền thống đến với trẻ TP. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu thiếu sự thắp lửa và dẫn đường của người lớn, thì trẻ TP sẽ còn xa lạ lắm với những trò chơi giản dị nhưng đích thực là của con trẻ ấy.