[Tiếng dân] Để dân thích được check in

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để Hà Nội và các địa phương có thể chống dịch trong điều kiện bình thường mới thì chắc chắn phải ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại smartphone.

PC-Covid đang là giải pháp chính để chính quyền và người dân chung tay chống dịch, nhưng trên sóng VTV vừa có phóng sự phản ánh người dân đang rất lười làm check in (quét mã QR khi người dân đến tất cả các địa điểm: Công sở, Bệnh viện, Trường học, Siêu thị, Chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng...) khi đến chỗ đông người.
Câu chuyện không mới, bởi hai ông lớn công nghệ Google và Apple từ năm 2020 đã có ý tưởng bắt tay xây dựng một nền tảng truy vết Covid-19 bằng cách sử dụng bluetooth để xác định "tiếp xúc gần". Ý tưởng đã khá đơn giản, các smartphone đều phải bật bluetooth, khi người và người "tiếp xúc gần" thì các điện thoại cũng sẽ tương tác như các chủ nhân của nó. Nền tảng công nghệ truy vết sẽ lưu trữ hết mọi tiếp xúc gần của tôi, của bạn, của toàn bộ nhân loại.

Nếu sau đó, tôi hay bạn bị nhiễm Covid-19 trong thời gian có tiếp xúc gần, nền tảng công nghệ sẽ tự động cảnh báo người kia để người kia biết. Nếu các CDC sử dụng công nghệ này, họ ngay lập tức có danh sách tiếp xúc gần của các F0 (còn gọi là F1), rất thuận tiện. Khi có thông tin này rồi thì tùy từng quốc gia sẽ có các biện pháp giải quyết tiếp theo khác nhau, nôm na là thế.

Đi trước nhưng cả Google và Apple đều chỉ dừng lại ở mức ý tưởng bởi cản trở lớn nhất là các đòi hỏi bảo vệ bí mật đời tư theo luật pháp của các quốc gia. Các chuyên gia pháp luật cho rằng nền tảng công nghệ truy vết sẽ thu thập quá nhiều bí mật đời tư khi nó được truy cập vào các khu vực thông tin cá nhân của mỗi người trên điện thoại di động. Còn người dân, nhất là giới doanh nhân lớn thì lo các thông tin về gặp gỡ sẽ bị tiết lộ, lạm dụng trái với các quy định pháp luật. Dự án đã dừng lại vì thế, không khả thi.

PC-Covid hiện nay vẫn yêu cầu cần được cấp quyền truy cập "Thông báo" để có thể chạy thường xuyên, giúp việc ghi nhận các "tiếp xúc gần" hiệu quả hơn. Nghĩa là nhà phát triển của nền tảng này vẫn theo đuổi ý tưởng truy vết đã bị Google, Apple từ bỏ. Người dân lười check in vì boăn khoăn nến chỉ để ghi nhận thời gian, địa điểm tiếp xúc gần giữa hai người có điện thoại đang bật bluetooth thì app không cần quyền truy cập vào các vùng thông tin cá nhân trên điện thoại để làm gì.

Bởi hầu hết các thông tin cá nhân của người dùng điện thoại đều không liên quan và không giúp gì được cho công việc truy vết. Tất nhiên là người dùng hoàn toàn bất lực trước việc app lấy những thông tin gì về, quản lý, khai thác thế nào…, điều mà người dùng điện thoại đang hàng ngày phải nhận hàng chục cú điện thoại quảng cáo, không ai muốn bị phiền thêm.

Câu chuyện tiếp theo là nếu không tiếp cận theo cách này thì các CDC sẽ theo dõi hành trình cá nhân như thế nào. Hãy nhìn cách app TraceTogether ở Singapore truy vết, rất đơn giản: Ở bất kỳ đâu, người dân khi vào thì check in, ra thì check out, quẹt điện thoại, căn cước hay Covid token vào đầu đọc gắn ở cửa vào, cửa ra đánh xoẹt chỉ tốn 1 giây là xong. Người già, trẻ em cũng có thể quẹt được vì rất đơn giản, thuận tiện. Các CDC Singapore cũng chỉ cần ghi lại thông tin bạn đã có mặt ở đó, thời gian đó, không cần lấy thêm bất kỳ thông tin nào khác mà công tác truy vết vẫn ngon lành đâu ra đấy.

Ngay cả cách check in của ta cũng đang làm trái khoáy, ngược với các quốc gia khác trên thế giới. Thay vì người dân phải chụp QR Code ở các địa điểm công cộng rồi khai cả loạt thông tin, các nước chỉ cần bố trí các máy đọc ở nhà hát, siêu thị, địa điểm công cộng tự động chụp QR Code của người dân và chuyển về các CDC.

Nên thay vì vội trách cứ người dân chưa nghiêm túc check in mọi lúc, mọi nơi, các nhà công nghệ thông thái hãy đơn giản hóa vấn đề theo kính nghiệm của các quốc gia đi trước. Nếu làm được như vậy chắc chắn người dân sẽ thích được check in!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần