[Tiếng dân] Để Hà Nội có thêm nhiều khu đô thị đáng sống

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt chỉ tiêu tổng diện tích sàn nhà ở phát triển khoảng 44 triệu mét vuông; phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2 sàn/người.

Tỷ lệ các loại nhà ở cần đầu tư xây dựng trong các dự án tại các khu vực có khả năng bố trí nhà ở xã hội theo quy hoạch là 90% nhà ở chung cư; 10% là nhà ở riêng lẻ. Như thế cùng với khoảng hơn 350 khu đô thị (KĐT), quy mô khoảng 2.500ha, có thể nói trong tương lai các KĐT là bộ mặt của Thủ đô. Cùng với việc phát triển các KĐT thì công tác quản lý nó như thế nào cũng là vấn đề người dân quan tâm.

Từ năm 2010, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính ban đầu chỉ 10 tòa nhà chung cư cao tầng, khoảng 2.400 căn hộ, với dân số hơn 10.000 người. Hơn 1 thập kỷ sau, toàn khu đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng từ 17 - 34 tầng, dân số cũng tăng chóng mặt lên gấp 3 - 4 lần. Hệ quả là thiếu chỗ để xe trầm trọng, toàn bộ phần vỉa hè, sân chơi các tòa đều bị chiếm dụng để làm bãi đỗ xe, lại càng làm trầm trọng lên tình trạng thiếu không gian vui chơi, giải trí. Hàng quán tại các KĐT đua nhau mọc lên, rác, nước thải được dịp tràn ra các con phố.
Phía Nam TP KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, từng được gắn biển là KĐT kiểu mẫu của Việt Nam vì xây dựng được một bán đảo đẹp, cây cối nhiều. KĐT xanh này rộng hơn 200ha, trong đó có 74ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/người. Thế nhưng, chỉ trong hơn 10 năm ngắn ngủi, nhắc đến đô thị “kiểu mẫu” Linh Đàm một thời này là nói đến bộ mặt nhếch nhác của đô thị và nạn ùn tắc giao thông. Là cảnh xe ô-tô đậu la liệt, là các quán thịt vịt nướng, bia hơi nhếch nhác, trẻ con thì thiếu trường học và khu vui chơi, người già thiếu nơi tập thể dục, dạo mát.

Ngay cạnh đó, tình hình KĐT Định Công cũng không khá hơn là bao. UBND phường Định Công vừa ra quân cưỡng chế bãi xe ô tô tại sân chơi chung cư 14 A, 14B tháng trước thì tháng sau, mọi việc đâu lại vào đấy. Người ta tranh nhau “xẻ thịt” các địa điểm công cộng, vui chơi của người dân để kinh doanh bãi xe mà không thấy bóng dáng của chính quyền địa phương ở đâu. Khu đô thị Pháp Vân lại gặp vấn đề về nước sạch, dân tình phải kêu cứu tới báo, đài mãi, tình hình mới tạm được cải thiện.

Người dân Hà Nội rất vui mừng khi Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã quyết tâm đạt được mục tiêu bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2 sàn/người. Được biết, dự kiến nhu cầu vốn là khoảng 437.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách khoảng 5.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, phát triển nhà ở xã hội và phục vụ công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Một con số đáng ghi nhận trong bối cảnh Covid-19 khiến cho tất cả các thành phần kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng bài học về công tác quản trị, vận hành các KĐT sau đầu tư trên địa bàn Thành phố vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập như: Nhiều KĐT đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ. Hiện nay, việc tổ chức, quản lý dịch vụ đô thị cho cư dân tại một số KĐT như vệ sinh môi trường, nước sạch, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí, siêu thị... còn gây cho người dân khá nhiều bức xúc. Việc qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, nhiều KĐT hiện nay của Thủ đô đang chịu những hệ lụy, bất cập từ việc mật độ dân số tăng, thiếu bảo trì, bảo dưỡng khiến bộ mặt cảnh quan đô thị xuống cấp trầm trọng.

Tạo được nguồn vốn để xây dựng 44 triệu mét vuông nhà trong 5 năm tới là một việc khó. Nhưng tạo cho nó trở thành những KĐT đáng sống của Thủ đô chúng ta còn khó hơn, đó là sự thật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần