[Tiếng dân] Điều đó tùy thuộc hành động của bạn

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, ngày 5/5 hàng loạt các dịch vụ như karaoke, massage, rạp chiếu phim, phòng tập gym, trường mầm non… tạm thời đóng cửa.

Từ 12 giờ trưa ngày 25/5, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Khó thể nói hết được sự đồng lòng, quyết tâm của người dân Thủ đô cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. Bằng kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly “3 lớp”. Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát. Đến nay 97/106 điểm phong tỏa đã được gỡ bỏ.

“Chúng ta mới bước đầu kiểm soát được dịch. Tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh vẫn rất phức tạp. Hà Nội lại là trung tâm giao lưu, trao đổi... Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 còn rất cao”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã phát biểu ngay sau khi Thành phố cho phép mở cửa lại một số dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà từ 0 giờ ngày 22/6. Một phát biểu đầy trăn trở của người đứng đầu Thành phố.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội chiều 21/6 diễn ra rất căng thẳng, nhiều quan điểm, tình huống đã được các thành viên đưa ra tranh luận. Để rồi, cuối cùng một quyết định như chúng ta đã biết được đưa ra, mở cửa có điều kiện các dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà.

Một quyết định quan trọng được đưa ra khi chiều đã muộn cũng biết chính quyền đã phải cân nhắc, tính toán như thế nào. Hà Nội vừa có một khoảng thời gian đủ dài khi các quán cắt tóc, nhà hàng, quán giải khát không được hoạt động để tóc đã dài, cái miệng người dân đã thèm món ăn quen trong những ngày nắng nóng của miền Bắc.

Rõ ràng, chính quyền đã thấu hiểu nỗi khổ, sự chịu đựng của người dân và đi đến một quyết định dũng cảm. Nó thể hiện tâm thế của một địa phương đã và đang bước đầu kiểm soát được dịch, cho thấy Hà Nội đã sẵn sàng chung sống với dịch để thực hiện mục tiêu kép. Nhưng hơn hết, Hà Nội đã thể hiện trách nhiệm trước dân, với dân và sẵn sàng chia sẻ cùng người dân (cả người bán lẫn người mua).

Theo tinh thần này Thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác. Đơn giản là do tình hình diễn biến trên cả nước và các tỉnh xung quanh Hà Nội vẫn rất phức tạp.

Vấn đề lúc này là thái độ của người dân Hà Nội trước những quy định của chính quyền. Thành phố yêu cầu toàn bộ người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế online trong thời gian 24h từ khi quay trở về Thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở, Tổ Covid cộng đồng rà soát, nắm bắt, quản lý danh sách người từ các địa phương khác trở về Hà Nội, trong đó lưu ý người từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và TP Đà Nẵng để quản lý, giám sát chặt chẽ.

Việc Hà Nội có tiếp tục mở thêm dịch vụ nào trong thời gian tới hay không, tùy thuộc rất lớn vào thái độ chấp hành của người dân. Khi trong từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị, tại các nơi tập trung công cộng, chúng ta nhắc nhở nhau chấp hành đúng quy định 5K thì chắc chắn việc số lượng các dịch vụ thiết yếu tại Hà Nội được nới lỏng là điều chắc chắn; và ngược lại...

Lúc này tôi lại nhớ đến giai điệu rất hay của nhạc phẩm “Điều đó tùy thuộc hành động của bạn”, rất đúng với tình hình Hà Nội và cả nước lúc này.