[Tiếng dân] Lối đi nào cho xe buýt?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiện ích của loại hình vận tải công cộng này tại Thủ đô Hà Nội đã thấy rõ, nhưng xem ra mục tiêu “tỷ lệ vận chuyển hành khách của xe buýt Hà Nội vào năm 2025 là 16 - 18%; vào năm 2030 là 25%” xem ra không dễ hoàn thành.

“Bác nào biết tình hình xe buýt Hà Nội đến nay như thế nào, nói lên cho bà con chúng tôi biết tý. Quả thật cả năm nay, tôi không đi xe buýt”, ông giáo già mở đầu câu chuyện.
“Cái này thì tôi rành, theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), năm 2019, sản lượng vận chuyển bằng xe buýt đạt 482,6 triệu lượt hành khách, mới đáp ứng 8,7% nhu cầu đi lại của người dân”, ông nhà báo giương kính ra đọc.

Ông dân phố nghe chuyện than thở: “Ôi, xa với con số 16 - 18% phải đạt được vào năm 2025 các bác nhỉ, rõ khổ cho mấy bác xe buýt Hà Nội, chạy 126 tuyến, mạng lưới xe buýt đã phủ kín 30/30 quận, huyện, thị xã nhưng sao lại chỉ đạt 8,7% nhu cầu đi lại của người dân các bác nhỉ”.

“Nếu vào nhìn vào những con số thì đúng là xe buýt Hà Nội đang có kết quả không tồi, họ đã phủ 453/579 xã, phường, thị trấn (đạt 78,2%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 31/37 khu đô thị (đạt 83,8%); 27/27 khu, cụm công nghiệp lớn. Cái chính là độ hài lòng chưa tăng, trung bình mỗi tháng có khoảng 4.000 lượt xe buýt phải điều chỉnh thời gian và lộ trình hoạt động do ùn tắc giao thông”, ông nhà báo thủng thỉnh.

“Đúng là Hà Nội đã rất nỗ lực đầu tư phát triển, hợp lý hóa mạng lưới tuyến, đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành, hình ảnh xe buýt Thủ đô đã có những đổi thay tích cực cả về chất và lượng nhưng nếu xe buýt vẫn còn chậm, không đúng giờ thì khó có thể thuyết phục người dân bỏ phương tiện cá nhân”, ông giáo già tấm tắc.

Nói đến đây, ông dân phố gật gù: “Theo tôi thì muốn giải quyết bài toán giao thông Hà Nội cần kiên trì giải pháp căn cơ theo hướng ưu tiên cho vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu hợp lý hóa luồng tuyến và mở mới các tuyến buýt; phát triển thêm các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân từ các tỉnh lân cận vào thành phố”.

Nghe các bậc cha chú trao đổi, cậu học sinh chuyên đi xe buýt hồ hởi: “Cháu nghe các chú lái xe bảo sắp tới thành phố sẽ tiếp tục được đổi mới phương tiện theo hướng ưu tiên xe buýt điện, xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Các xe buýt hiện nay mà cháu đang đi cũ lắm rồi, khói phun đầy đường. Cháu nghe các chú ấy bảo dự kiến sắp tới thành phố sắp đầu tư mới 400 xe, trong đó có khoảng 150 xe buýt điện, thế thì thích các bác nhỉ”.

Ông nhà báo chia sẻ thêm: “Đúng rồi, xe buýt hiện nay đã già quá rồi, cần phải thay đổi thôi. Về hạ tầng, nghe nói Hà Nội sẽ đầu tư theo quy hoạch các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, các hành lang ưu tiên để định hình kết cấu mạng lưới ổn định, kết nối hiệu quả với các loại hình vận tải công cộng khác nhằm thu hút khách, mở rộng "lối đi" cho xe buýt”.

“Ngoài ra, theo tôi thành phố cần phải đẩy mạnh việc xây dựng các điểm trung chuyển. Tạo sự kết nối mạng lưới tuyến và triển khai các loại hình giao thông tiếp cận (xe đạp công cộng), các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho hành khách đi xe buýt” ông dân phố góp ý.

“Giờ là thời đại 4.0 rồi, để hành khách dễ tiếp cận hơn, chúng tôi mong muốn thành phố sẽ thực hiện mã hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt; đổi mới, đa dạng hóa hình thức bán vé (trực tuyến, qua điện thoại…); triển khai hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng; cần phải hoàn thiện phần mềm timbus.vn… để ai cũng có thể tra cứu, mua vé, đi lại. Làm được vậy thì cái mục tiêu 5 - 10 năm tới may ra mới có cơ hoàn thành”, ông giáo già thẳng thắn chia sẻ.

Câu chuyện xe buýt Hà Nội đã và đang là vấn đề lớn của Thủ đô vì liên quan khá nhiều người.