[Tiếng dân] Phát triển đất nước, nhìn từ thành công của bóng đá

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có chiếc HCV SEA Games 30 là sự hội tụ của rất nhiều yếu tố như đào tạo bóng đá trẻ, nâng cấp chất lượng V.League… nhưng sự hiện diện của HLV Park Hang-seo vẫn được coi là yếu tố quan trọng nhất.

Người ta đã thấy HLV Park Hang-Seo sở hữu 5 yếu tố cần thiết với một nhà lãnh đạo để thành công, bao gồm: Khả năng xây dựng chiến lược; khả năng triển khai chi tiết; sự hợp tình hợp lý và chính trực không thiên vị; sử dụng trực giác để ra quyết định và cuối cùng là tràn đầy tình yêu thương trong sinh hoạt với tập thể đội bóng.
Để chuẩn bị cho SEA Games 30 trong vòng 10 tháng, ông Park đã triệu tập 71 cầu thủ, 9 đợt tập trung rải rác năm 2019. Nhiều đợt chỉ kéo dài vài ngày, xen kẽ với các vòng đấu V.League và hạng Nhất. Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có một kế hoạch dài hơi đến thế khi chuẩn bị cho một kỳ SEA Games. Ngay cả các đội tuyển trẻ của các quốc gia châu Âu và tại chính Hàn Quốc cũng chưa từng thực hiện điều đó bao giờ.
“U22 Hàn Quốc cũng thử nghiệm nhiều cầu thủ, nhưng chưa bao giờ thử quá nhiều và thử trong một khoảng thời gian dài như vậy ngay cả khi chúng tôi chuẩn bị cho Olympic" - nhà báo Hong Jae-min, chủ biên Four four two phiên bản Hàn Quốc ngạc nhiên.
Để chuẩn bị thể lực cho cầu thủ thi đấu SEA Games, ông Park đã yêu cầu VFF bố trí đội ngũ y tế 5 bác sĩ. Thực tế cho thấy, có vậy các cầu thủ U22 Việt Nam mới có đủ thể lực thi đấu mật độ 2 ngày/trận, trên mặt sân cỏ nhân tạo. Nó cho thấy ông Park là nhà chiến lược, có tầm nhìn dài hơi, bao quát được vấn đề.
Về nhân sự, Quang Hải là con át chủ bài, nhưng khi cầu thủ này chấn thương ông đã có giải pháp thay thế kịp thời. Rõ ràng “quy hoạch nhân sự” của ông thầy Hàn Quốc được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều tình huống và phương án triển khai để không lâm vào tình trạng bị động.
Về lối chơi, ban đầu U22 Việt Nam chơi với sơ đồ 3 - 4 - 3 như càng vào sâu, ông Park càng linh hoạt. Khi cần bàn thắng, ông điều chỉnh thành 3 - 5 - 2, rồi 3 - 4 - 1 - 2… với mục tiêu thắng trận, ông Park luôn biết cách uyển chuyển thay đổi đấu pháp tùy vào tình hình trên sân. Một tư duy mà các nhà quản lý tầm vĩ mô rất cần có, phải có khi điều hành công việc.
Ông Park là người tình cảm với học trò trong sinh hoạt. Ông tự tay đắp mặt mát-xa, làm đẹp cho chú rể Trọng Hoàng trước khi bay từ Hàn Quốc về Việt Nam cưới vợ. Ông thân chinh đến bệnh viện thăm nom Xuân Trường chấn thương, lớn tiếng bảo vệ cầu thủ khi bị cầu thủ U22 Lào chơi xấu, chấp nhận bị thẻ vàng. Lớn hơn nữa, nhiều lần ông tuyên bố Việt Nam chính là quê hương thứ 2 của mình, ông yêu mảnh đất này.
Nhưng khi Tấn Tài, không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ 18 phút ông đã quyết định cho ra nghỉ, nhưng trận chung kết vẫn tung vào sân. Ông dành vài chục phút gặp riêng để động viên thủ môn Bùi Tiến Dũng sau sai lầm cá nhân, nhưng vẫn quyết định dùng Văn Toản. Những quyết định công minh, kịp thời, có tình, có lý như thế sẽ khiến cho các học trò tâm phục, khẩu phục mà tập thể không bị ảnh hưởng nhiều.
Cách đây 10 năm tại SEA Games 2009 trên đất Lào, trong trận chung kết với U23 Malaysia khi thủ môn Tấn Trường bị chấn thương. Bằng trực giác, ông H.Calisto đã do dự không thay người, sau đó U23 Việt Nam đã phải trả giá bằng bàn thua lãnh xẹt, đánh rơi chiếc cúp vàng vào tay đội bóng mà vòng bảng chúng ta đã từng thắng dễ dàng 3 - 1.
Bóng đá Việt Nam đã cất cánh trong 2 năm nay, bước đầu đã vươn lên ngôi vị số 1 Đông Nam Á và còn vươn xa. Những tư duy và thuật dùng người của ông thầy Hàn Quốc rất đáng để cho các nhà quản lý các cấp suy ngẫm. Sau ông Park “bóng đá”, người dân muốn có ông Park “giao thông”, ông Park “giáo dục”…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần